Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh ngã xuống để biên cương mãi xanh

Dương Hiệp - Lê Hương| 22/02/2011 06:38

(HNM) - Trước di ảnh của chồng - Trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng A Mú Sung, vợ anh - cô giáo Nguyễn Thị Vân Chi dường như đã cạn khô nước mắt khóc thương.


Nắm tay từng người trong đoàn Báo Hànộimới về thắp nén nhang thơm cho anh tại quê nhà đội 1, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cô giáo Chi xúc động kể về ước mơ còn dang dở của Duẩn: Anh Duẩn bảo, hè này theo đúng lịch hẹn với người anh em kết nghĩa Báo Hànộimới, anh đã xin phép đơn vị để đưa vợ con đi chơi Hà Nội một chuyến cho thỏa. Từ giờ đến lúc đó, hai vợ chồng em luôn nhắc nhau phải phấn đấu là những chiến sỹ giỏi của đơn vị trên cả hai mặt trận giữ vững biên cương và gieo chữ nơi vùng cao…

Đoàn phóng viên Báo Hànộimới về thắp nén nhang thơm tiễn đưa người đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: Dương Hiệp

Người con của vùng cao

Nhiều chiến sỹ Đồn A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) cho biết, từ đêm 16-2 đến nay, anh em trong đồn không sao chợp mắt. Thường ngày, Duẩn là người năng nổ, nhiệt tình với công việc, luôn giành thành tích cao trong các đợt huấn luyện. Với đồng đội, Duẩn sống tình nghĩa, trách nhiệm, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, với nhân dân các dân tộc miền núi, Duẩn vừa là người anh, người bạn và người thầy. Chảo Láo Lở, người dân tộc Dao ở thôn Lũng Pô 1, xã A Mú Sung đã có mặt và nghe thấy tiếng kêu cứu của Duẩn trong cái đêm định mệnh ấy, nhưng anh và bốn người dân khác tham gia buổi tuần tra đó đã không thể cứu sống Duẩn. Đến bây giờ, Chảo Láo Lở vẫn bàng hoàng. Với Lở, Trung úy Duẩn là người anh em, vui buồn có nhau. Gia đình Lở có khó khăn gì, Duẩn đều sẵn lòng giúp đỡ. Duẩn ra đi, Chảo Láo Lở như mất người ruột thịt. Anh và đông đảo người dân trong xã đã đến làm lễ truy điệu và đưa tiễn Duẩn về an nghỉ tại quê hương. Vĩnh biệt Trung úy Duẩn, hình ảnh về một chiến sỹ bộ đội biên phòng gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì nhân dân sẽ đọng mãi trong tim Chảo Láo Lở và đồng bào các dân tộc ở A Mú Sung.

Còn nhớ, dịp chuẩn bị đón Tết Tân Mão vừa qua, mang theo những món quà xuân, những người làm báo Thủ Đô chúng tôi và Duẩn cùng anh em chiến sỹ đồn A Mú Sung vẫn còn quây quần bên ánh lửa ấm nơi biên giới xa xôi ôn lại bao kỷ niệm bên nhau. Lúc đó Duẩn còn hăng hái, ngỏ lời muốn thay mặt anh em chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung lên rừng hái một cành đào mang về xuôi tặng người bạn kết nghĩa là Báo Hànộimới. Theo lời Duẩn, chỉ có hoa đào trên "đất thép", nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt này mới thay cho mọi tấm lòng người anh em kết nghĩa gửi tặng cho nhau.

Cô giáo Vân Chi kể, những ngày mang đứa con đầu lòng, Trung úy Trần Văn Duẩn nói nếu là con trai sẽ đặt tên là Bảo Nam với ý nghĩa sau này lớn lên sẽ tiếp nối cha, ông là người lính bảo vệ đất trời nước Nam ta. Còn là con gái, hai vợ chồng muốn mang hình tượng đẹp đẽ và vững vàng như những bông hoa đào mùa xuân nở trên đất A Mú Sung. Duẩn nói với vợ, cây đào có ý nghĩa thiêng liêng vừa là tín hỷ của mùa xuân, của sự sống vừa mang ý nghĩa khi xuân về hoa đào nở rộ từ vùng biên giới theo dòng sông Hồng về Hà Nội và xuôi về miền biển quê anh báo hiệu một sự sống trường tồn. Ở đâu có hoa đào là ở đó có hạnh phúc và niềm tin!

Niềm tự hào của quê hương

Từ hôm đưa anh Duẩn về với quê hương, nhà anh lúc nào cũng ấm áp tình làng nghĩa xóm. Ông Trần Ngọc Hiểu, bố của Duẩn cứ nhắc đi, nhắc lại với bà con về sự hiện diện của chúng tôi: "Các bạn của Duẩn về đấy các bác ạ, những người anh em kết nghĩa ở Báo Hànộimới về thắp cho con tôi nén nhang cho trọn nghĩa vẹn tình đấy! Thế là linh hồn cháu cũng được mát mẻ vì nhận được bao tình thương mến của đồng đội, bạn bè và quê hương!".

Nói về sự hy sinh cao cả của người con trai độc nhất, ông Hiểu không giấu nổi tự hào: "Duẩn đã hy sinh vì quê hương, đất nước với chí khí của bậc nam nhi. Là bậc làm cha, làm mẹ chúng tôi xót thương vì sự ra đi này bao nhiêu thì với ý nghĩa là một người lính, người đồng đội đã từng cầm súng bảo vệ biên cương tôi càng tự hào về người con trai độc nhất bấy nhiêu". Ở quê hương, Duẩn không chỉ là con trai duy nhất trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cả cha và hai chú ruột đều là những người lính từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc mà tương lai còn gánh vác trọng trách tộc trưởng của một dòng họ.

Theo ông Hiểu, từ nhỏ tư chất của Duẩn đã bộc lộ là một người hết lòng với bạn bè và say mê với những dự định dâng hiến cho quê hương. Ngày thi trượt Đại học An ninh, nhưng với ước mơ trở thành công an bảo vệ hạnh phúc cho nhân dân, Duẩn không hề buồn. Cầm kết quả thi, anh về nhà nói chuyện với bố, sẽ lên Nam Định cách đó 50 cây số để ôn thi. Rồi Duẩn thi vào Học viện Quốc phòng với lý do để tiếp nối truyền thống gia đình. Ngày Duẩn tốt nghiệp đại học rồi xung phong lên A Mú Sung, bố chỉ dặn dò, ra đi chân cứng đá mềm, xứng là trai đất Việt. Suốt 10 năm rèn luyện trở thành người sỹ quan biên phòng và công tác trên đồn A Mú Sung chỉ đếm được 3 cái Tết Duẩn đón xuân cùng gia đình.

Trung tá Phạm Ngọc Xướng, Trưởng đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết: Trung úy Trần Văn Duẩn gắn bó với đơn vị từ năm 2006, từ đó đến nay, Duẩn luôn là sỹ quan có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề và xác định gắn bó với biên giới. Đồng chí đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với đồng bào các dân tộc trong địa bàn, được cấp ủy, địa phương và nhân dân các dân tộc tin tưởng, yêu mến. Trong quá trình công tác, đồng chí khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vào đêm 16-2, Trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngăn chặn một chiếc thuyền xâm nhập trái phép đường phân thủy tại biên giới trên thượng nguồn sông Hồng. Do đêm tối, cùng với nước sông Hồng chảy xiết, đồng đội đã không thể tìm thấy anh. Đến 11h ngày 17-2, thi thể Trung úy Trần Văn Duẩn mới được tìm thấy ở khúc sông Hồng cách Đồn A Mú Sung chừng 200m về phía thượng nguồn.

Còn trong tâm trí của người vợ yêu quý, cô giáo Nguyễn Thị Vân Chi không lúc nào quên được những câu động viên chân tình của Trung úy Duẩn. Anh luôn dặn: "Em luôn là cô giáo dạy giỏi, còn anh luôn được anh em tín nhiệm, năm nào cũng bầu là chiến sỹ thi đua của đơn vị nên mình càng phải cố gắng hơn". Nói là làm, hễ có thời gian rảnh rỗi Duẩn lại tranh thủ phát nương để cải thiện thêm cuộc sống. Biết là cán bộ muốn ở lại lâu dài với bà con, lại chăm chỉ lao động như vậy, nên bà con ai cũng muốn giúp một tay. Khi cô giáo Chi ngỏ ý cảm ơn, Trưởng thôn Ma Seo Páo cứ xua tay ngăn lại: "Đừng nói chuyện ơn huệ với bà con, cán bộ Duẩn tốt thế, giúp dân nhiều như thế bà con hàm cái ơn đấy sợ không trả được nữa là".

Suốt trong câu chuyện của chúng tôi, bé Bảo Nam vẫn say ngủ. Cô giáo Nguyễn Thị Vân Chi cho biết, suốt từ hôm bố ra đi, như thương mẹ, Nam chả mấy khi khóc mà cứ say sưa ngủ như thế…

Thay lời kết

Chúng tôi còn nhớ những tâm sự của Duẩn khi anh còn sống: "Đằng sau những hy sinh của những người lính biên cương chính là quê hương thân yêu nghĩa nặng tình sâu. Chính là sức mạnh tinh thần to lớn để chúng tôi vượt qua tất cả!". Với những người làm báo Đảng Thủ đô, địa danh A Mú Sung đã trở thành quen thuộc. Đã 3 năm nay, thực hiện chương trình kết nghĩa giữa Báo Hànộimới và Đồn Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc, năm nào cũng vậy, vào dịp tháng 6, cán bộ, phóng viên của Báo lại đón cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Đồn về thăm, còn cuối năm lại tất bật sắp xếp công việc để lên thăm các anh và bà con nơi biên cương xa xôi ấy. Nhưng lần trở lại này là một ký ức buồn thương, về để tiễn đưa một người con của quê hương, người đồng chí của những người làm báo Thủ đô. Anh cũng như bao cán bộ, chiến sỹ khác đã phải đổ máu, hy sinh thân mình vì sự bình yên của nhân dân. Ai bảo thời bình, máu người chiến sỹ không còn rơi? Sự hy sinh mất mát của các anh như một lời khẳng định: Những người lính quân hàm xanh luôn sẵn sàng vì Tổ quốc, sẵn sàng đổi sức lực, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả mạng sống của mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Bài viết này thay cho nén nhang thơm để tưởng nhớ đến Trung úy Trần Văn Duẩn, đến các anh, những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Xin cảm ơn các anh đã cho chúng tôi hiểu được cuộc sống không chỉ có hưởng thụ mà phải biết hy sinh vì lý tưởng, để biên cương Tổ quốc mãi xanh tươi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Anh ngã xuống để biên cương mãi xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.