(HNM) - Lâu nay, tình trạng
Nhiều tuyến mương, tuyến phố trở thành… "đại công trường"
Dự án Thoát nước nhằm cải thiện môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2006, với tổng mức đầu tư khoảng 6.314 tỷ đồng, với mục tiêu tăng khả năng tiêu thoát nước từ 172mm/2 ngày đêm lên 310mm/2 ngày đêm. Theo thông tin từ BQL Dự án Thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội), đến nay đã có 5/13 gói thầu đã hoàn thành công tác thi công: Xây dựng trạm bơm Yên Sở, cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch; cải tạo hồ Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu… Các gói thầu đang triển khai thi công: Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu; cải tạo hồ Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung 1 và 2, hồ Hạ Đình, Đầm Chuối; hồ Linh Đàm, Định Công; xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu; xây dựng cống thoát nước trên 44 tuyến phố.
Hoàn trả mặt đường tạm thời, gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến giao thông (chụp tại phố Hoàng Văn Thái, ngày 21-5). |
Theo phản ánh của người dân, phần lớn mặt đường bị đào lên để đặt cống chỉ được vá víu tạm bợ, tạo ra hàng loạt ổ gà lồi lõm "đánh bẫy" người tham gia giao thông, ngoài ra còn gây ô nhiễm, bụi bẩn. Tình trạng thi công kéo dài, "vừa làm vừa chơi" đã gây không ít bức xúc cho người dân. Nhiều tuyến kênh mương, tuyến phố đang trở thành "đại công trường" mà không biết khi nào mới hoàn thành. Đơn cử như tuyến mương Nguyên Hồng (T6A) được triển khai đã hơn 3 năm, nhưng đến thời điểm này mới hoàn thành 600/708m cống. Việc nhà thầu thi công ì ạch, kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, cản trở lưu thông, gây bụi bẩn, tiếng ồn, ngập úng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân địa phương.
Trong khi đó, gói thầu xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước ngầm của khu vực nội thành tại 44 tuyến phố của 7 quận, với tổng chiều dài là 21.160m cống các loại, đến nay đã có 35/44 tuyến phố hoàn thành; 6 tuyến phố đang triển khai là: Hoàng Văn Thái, Khương Thượng, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, ngõ Lương Sử, khu vực đầu và cuối tuyến phố Lò Đúc; riêng tuyến phố Minh Khai vẫn chưa được "khởi động". Có mặt tại phố Hoàng Văn Thái chiều 21-5, phóng viên ghi nhận đoạn đầu phố (từ ngã ba cắt phố Lê Trọng Tấn đến giữa phố) đã thi công cống xong, mặt đường đã được thảm nhựa. Đoạn từ giữa phố đến trước Ban chỉ huy quân sự quận Thanh Xuân đang trong quá trình thi công. Việc cắt đường, làm cống chiếm đến 1/2 lòng đường. Hiện, đã lắp xong cống, nhưng mặt đường mới được đổ lấp tạm thời bằng đá răm. Một người bán nước ở đây cho biết: Đoạn phố này được thi công đã nửa tháng nay, lại đúng đợt nắng nóng nên bụi bẩn kinh khủng. Ngày nào bà con dân phố cũng phải vài lần tưới nước trước cửa mà không tránh được bụi. Nguy hiểm nhất là chiều thứ bảy (ngày 17-5), trận mưa to đã gây sụt miệng hố ga đang thi công khiến một xe tắc xi đi qua bị "sập bẫy". Còn tại phố Khương Thượng, mặc dù đã được thảm lại mặt đường nhưng do nhiều đoạn đổ nhựa thấp hơn so với cốt nền đường cũ nên những gờ nối đã tạo thành các chướng ngại vật, gây cản trở giao thông.
Xử lý nghiêm công trình không bảo đảm chất lượng
Làm việc với BQL Dự án Thoát nước Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc BQLDA cho biết: Tiến độ cải tạo kênh mương hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào công tác GPMB. Về nguyên tắc, sau khi được bàn giao mặt bằng, nhà thầu mới thi công, tuy nhiên hiện nay đều đang phải thi công theo hình thức: giải phóng được đoạn nào thì làm đoạn đó. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện của gói thầu. Đến nay, tổng chiều dài tuyến đã được bàn giao mặt bằng là 17.360/26.048m, trong đó đã thực hiện công tác thi công cống, kè được khoảng trên 13.758m. Hiện, còn vướng mặt bằng khoảng 9.000m nên chưa thể triển khai thi công.
Còn với gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước trên 44 tuyến phố, do đặc thù thi công trên đường nên phải được Sở GTVT cấp phép đào đường, lại chỉ được phép thi công vào ban đêm (từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau); tuy nhiên có những tuyến phố có lưu lượng phương tiện qua lại lớn nên thường phải sau 23h mới thi công được. Thời gian thi công ngắn, khối lượng công việc nhiều, đào đường, lắp đặt cống xong lại phải hoàn tất việc lấp cát, đồ và đầm đá móng, đặt tấm tôn phủ mặt đường… để bảo đảm giao thông, nên trung bình đơn vị thi công được 5m cống/đêm. Chỉ sau khi hoàn thành khoảng 50m dài thì mới trải nhựa vì vậy không tránh khỏi có đoạn phải rải đá tạm, gây tình trạng bụi bẩn. "Theo kế hoạch, đơn vị thi công cuốn chiếu trên cơ sở không quá 2 tuyến trên một quận tại cùng thời điểm. Tuy vậy, việc thi công ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Vì thế, chúng tôi rất mong nhân dân ủng hộ, thông cảm tạo điều kiện giúp đỡ để dự án sớm hoàn thành, bảo đảm công tác thoát nước trên các địa bàn nói chung và mùa mưa bão sắp tới nói riêng" - ông Hùng chia sẻ. Được biết, hiện đã có 34 tuyến phố được hoàn trả mặt đường đến lớp thảm hạt mịn và 9 tuyến phố được hoàn trả đến lớp thảm hạt trung.
Thi công gây ảnh hưởng đến giao thông, gây ô nhiễm, bụi bẩn là điều khó tránh khỏi, song đơn vị thi công phải hạn chế đến mức thấp nhất những tác động không đáng có. Đặc biệt, trước phản ánh của người dân về tình trạng thi công ẩu trên một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Lò Đúc, BQL Dự án Thoát nước Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập nảy sinh và kiên quyết xử lý đối với những công trình không bảo đảm chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.