Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh hùng giữa đời thường

Phan Sáu| 13/06/2011 06:31

(HNM) - Đó là câu nói mộc mạc, thân thương mà mọi người dân cũng như cựu chiến binh ở huyện Gio Linh và thành phố Đông Hà dành để nói về anh Trương Đức Hai, một thương binh - cựu chiến binh dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, bình dị trong cuộc sống và biết vươn lên trong khó khăn, thử thách.

Đồng chí Trương Đức Hai thăm và tặng quà ông Nguyễn Đá, thương binh 2/4, ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh.


Người luôn có mặt nơi đầu sóng, ngọn gió

Sinh ra ở làng Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh - bên bờ Nam sông Bến Hải hiền hòa nhưng lớn lên trong nỗi đau đất nước bị giới tuyến tạm thời chia cắt, tuổi thơ anh đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn. Anh đã chứng kiến những tội ác dã man của Mỹ ngụy đối với đồng bào, quê hương. 16 tuổi, anh tham gia lực lượng vũ trang, tiếp bước cha lên đường đi đánh giặc và đã sớm trưởng thành. Sau hơn một năm tham gia du kích, anh trở thành trung đội trưởng rồi xã đội phó và làm xã đội trưởng lúc vừa tròn 19 tuổi. Có thể nói, chiến trường huyện Gio Linh trong những năm 1966 đến 1972 là một trong những mặt trận ác liệt nhất của tỉnh Quảng Trị. Bởi cùng với ném bom, bắn phá có tính chất hủy diệt, kẻ địch còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhất, như lập tuyến hàng rào điện tử Mc Namara hòng "giăng bẫy" và "tát nước bắt cá" nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Lúc này, Trương Đức Hai được huyện điều vào tăng cường cho xã Gio Mỹ, cùng bộ đội bao vây bắn tỉa địch ở cứ điểm 31, kìm chân không cho chúng càn quét bắn phá, đồng thời mở đường cho quân ta đánh sâu vào cảng Cửa Việt. Sau chiến dịch bắn tỉa thắng lợi, anh được điều về tăng cường cho xã Gio Lễ - một xã cận kề huyện lị của ngụy quyền huyện Gio Linh và cứ điểm Dốc Miếu nên hoạt động rất khó khăn. Với sự mưu trí, dũng cảm, anh đã thường xuyên bám địa bàn, bám dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng. Nhiều lần anh cải trang thành sĩ quan thủy quân lục chiến, lính cộng hòa đột nhập vào sào huyệt địch để tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ giữa ban ngày.

Đầu năm 1972, anh lại được huyện điều về tăng cường cho xã Gio Sơn - một xã vùng trắng, bởi dân ở đây đã bị địch "gom" vào khu tập trung Quán Ngang. Vượt lên tất cả, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng vì thế mà anh em cán bộ, chiến sĩ ở huyện Gio Linh thường bảo: "Nơi nào gian khổ, ác liệt là nơi đó có mặt Trương Đức Hai".  Mặc dù là cán bộ quân sự địa phương, nhưng anh đã sáng tạo ra nhiều cách đánh thông minh, táo bạo và trận nào có anh tham gia cũng đều thắng lợi. Đặc biệt là trận phối hợp với đơn vị C4 bộ đội địa phương huyện Gio Linh, đánh vào Chi khu Quán Ngang, giải thoát nhân dân ra khỏi khu tập trung. Đây là chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân năm 1972 của toàn chiến trường Quảng Trị. Chiến dịch giải phóng Quán Ngang thắng lợi, anh được cử làm Chủ tịch UBND Cách mạng xã Gio Sơn, đưa dân trở về quê cũ, ổn định nơi ăn ở, khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển sản xuất. Bước lên từ lòng đất với hai bàn tay trắng, trong lúc mọi thứ đều bắt đầu từ con số không, với cương vị là Chủ tịch UBND Cách mạng xã, với ý chí và bản lĩnh của mình, cùng với sự chi viện có hiệu quả của trên, anh đã tổ chức lực lượng rà phá bom mìn, khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân từ nơi sơ tán trở về, tiếp đến là quy hoạch đất đai trồng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu... góp phần tạo dựng nên một màu xanh trù phú từ đổ nát hoang tàn.

Vượt lên chính mình
Hơn 10 năm cầm súng, lúc bí mật, khi công khai, lúc "xuất quỷ nhập thần", làm cho địch nhiều phen bạt vía kinh hồn, với những thành tích và chiến công đã đạt được trong chiến đấu, anh đã được cấp trên tặng thưởng 6 danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", dũng sĩ ưu tú và hàng chục huân, huy chương các loại cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Nhưng với anh, phần thưởng quý giá nhất vẫn là sự tin yêu và niềm cảm thông của mọi người. Ông Phan Đình Sắt, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Gio Châu, Gio Linh, bạn chiến đấu với anh nói: "Sau một thời gian dài chiến đấu, rèn luyện trong môi trường chiến tranh ác liệt, bây giờ đất nước hòa bình, trở về cuộc sống đời thường ai cũng có những khó khăn, nhưng đồng chí Hai là một người tháo vát, tần tảo bươn chải lo cuộc sống cho mình, đồng thời cũng dìu dắt, giúp đỡ bạn bè".

Nhìn khuôn mặt kiên nghị và sức vóc vạm vỡ, trẻ trung không ai nghĩ anh là thương binh hạng 3/4 và đã ở tuổi 58. Khi được hỏi về cuộc sống của mình, anh cho biết: Dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng do hoàn cảnh gia đình, vợ đau ốm quá dài ngày, con cái thì còn nhỏ nên tôi xin nghỉ sớm để lo cho gia đình, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Để tìm lối ra, tôi đã mạnh dạn vay mượn vốn của bạn bè, thành lập Công ty TNHH Xây dựng số 9". Nói Công ty cho "oai", chứ thực ra với 2 tỷ đồng vốn ban đầu, anh chỉ đủ sức đảm nhận những công trình xây dựng dân dụng nhỏ và các công trình thủy lợi nội đồng, cốt là kiếm thêm thu nhập để lo cho con cái ăn học và có tiền chữa bệnh cho vợ. Đến nay con cái anh học hành đến nơi đến chốn, ai cũng trưởng thành. Anh bảo: "Bây giờ thì mình không so được, với xã hội mặc dầu tôi cũng là một thương binh, nhưng còn nhiều thương binh khác còn khổ hơn mình. Vì vậy mà tôi luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng làm việc, vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa để giảm bớt gánh nặng cho xã hội, đấy cũng là thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế".

Bươn chải giữa thương trường khốc liệt nhưng nhờ giữ được chữ tín nên công ty của anh vẫn đứng vững, năm nào cũng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, giải quyết đủ việc làm và thu nhập ổn định cho một số lao động là con em cựu chiến binh. Ông Nguyễn Quy, nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định: Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, với lối sống giản dị và luôn vì mọi người, anh Trương Đức Hai là một biểu hiện rõ nét nhất trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Vì vậy mà các đồng chí lãnh đạo địa phương, bạn bè đồng đội và nhân dân khối phố... ai cũng yêu quý anh.

Có thể nói, với bản lĩnh của người cựu chiến binh đã từng xông pha trận mạc, dày dạn kinh nghiệm và lúc nào, ở đâu cũng giữ vững được phẩm chất đạo đức của một đảng viên 40 năm tuổi Đảng, anh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Nhưng niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu người vợ thân yêu của anh không qua đời vì bạo bệnh, mặc dù đã gần 13 năm anh kiên trì đưa vợ ra Bắc vào Nam tìm thầy tìm thuốc, nhưng cuối cùng chị vẫn ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Đã hơn 5 năm nay anh phải gánh vác thêm phần việc của vợ trong gia đình. Nhưng với anh, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính bản thân mình để chiến thắng - đấy chính mới là phẩm chất anh hùng giữa đời thường mà mọi người đã phong tặng cho anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh hùng giữa đời thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.