Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh đánh "thuế đường" chống béo phì

Quang Huy| 20/03/2016 08:35

(HNM) - Béo phì đang dần trở thành

Đồ uống có đường sẽ chịu thuế cao tại Anh.


Trong đó, nước Anh đang chuẩn bị áp dụng tăng thuế đối với các sản phẩm đồ uống chứa đường, một trong những "thủ phạm" của việc thừa cân.

Trong phiên họp thảo luận ngân sách năm 2016 tại Quốc hội Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne thông báo, bắt đầu từ tháng 4-2018, Anh sẽ đánh "thuế đường" đối với đồ uống ngọt nhằm khống chế tình trạng béo phì ở trẻ em. Sắc thuế mới này cũng được coi là biện pháp giúp tiết kiệm chi phí điều trị bệnh béo phì lên đến 5 tỷ bảng (7,1 tỷ USD) mỗi năm. Theo kế hoạch, các công ty sản xuất hay nhập khẩu các sản phẩm nước giải khát (không bao gồm sữa và nước ép trái cây không đường) ở Anh phải chịu một mức thuế nếu sản phẩm đó có hàm lượng đường ít nhất 5g/100ml và mức thuế này sẽ tăng lên nếu hàm lượng đường cao hơn mức 8g/100ml.

Bộ trưởng George Osborne cho biết: "Trẻ em 5 tuổi (ở Anh) đang tiêu thụ lượng đường bằng trọng lượng cơ thể của chúng mỗi năm". Các chuyên gia dự đoán trong vòng 25 năm tới, hơn 50% bé trai và 70% bé gái ở Anh có thể quá cân hoặc béo phì. Trong một lon Coca Cola thường có khoảng 9 thìa đường. Một số đồ uống phổ biến khác có chứa đến 13 thìa đường. Lượng đường này cao gấp đôi lượng đường tiêu thụ được khuyến nghị cho trẻ em mỗi ngày. Ông George Osborne dự kiến "thuế đường" sẽ giúp thu về cho ngân sách khoảng 520 triệu bảng/năm. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ và phát triển các môn thể thao ở trường tiểu học. Vị Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận việc đánh thuế cao có thể ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, số tiền thuế thu được sẽ sử dụng cho các hoạt động thúc đẩy tập luyện thể thao trong học đường và đây là việc làm cần thiết.

Một nghiên cứu khoa học vào tháng 1 vừa qua cho thấy, giảm 40% lượng đường có trong thức uống trong vòng 5 năm có thể làm cho 500.000 người trưởng thành giảm nguy cơ bị thừa cân và 1 triệu người tránh bị béo phì. Ông Graham MacGregor - Giáo sư chuyên ngành tim mạch và là Chủ tịch của chiến dịch Hành động về đường - cho rằng, nên đánh thuế 20% đối với tất cả các đồ uống có đường. Nếu công ty nào không thực hiện nghiêm túc những cam kết về thuế hoặc sức khỏe người tiêu dùng thì mức thuế sẽ còn gia tăng thêm. Không chỉ tại Anh, nhiều nước khác đang áp dụng "thuế đường" là Pháp, Phần Lan, Mexico, Hungary, Chile. Các nước Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nam Phi và một số bang và thành phố ở Mỹ cũng đang cân nhắc áp dụng loại thuế này.

Những biện pháp này của Anh được cho là kịp thời vì trên thực tế, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo béo phì trong tương lai sẽ trở thành bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, béo phì tăng lên gấp đôi từ năm 1980, tăng lên đến 600 triệu người trong năm 2014. Hơn 1,9 tỷ người lớn chiếm 39% dân số thế giới bị quá cân. Nghiên cứu mới này cũng cho thấy Châu Âu đối mặt với khủng hoảng béo phì vào năm 2030. Ở Anh, 64% phụ nữ và 74% đàn ông sẽ bị quá cân vào năm 2030.

Trong khi đó, quá cân và béo phì gây ra khoảng nửa triệu ca ung thư mới ở người lớn mỗi năm. Ngoài ra, thừa cân còn là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, viêm xương khớp và bệnh thận. Vì vậy, cuộc chiến chống béo phì hiện đã được xem là một ưu tiên trong bảo vệ sức khỏe con người và dần hiện thực hóa bằng những công cụ pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh đánh "thuế đường" chống béo phì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.