(HNM) - Từ năm 2006 đến 2011 là giai đoạn đầu Tổng Công ty Vinaconex chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng công ty cổ phần. Bên cạnh cơ hội, sức bật mới, Vinaconex đã phải đối mặt với nhiều thách thức trước hết chính là mô hình mới, với nhiều quy định của pháp luật, văn bản quy định chưa hoàn thiện, chưa có tiền lệ áp dụng với một tổng công ty nhà nước (có quy mô lớn nhất và phức tạp nhất) thực hiện CPH toàn bộ.
Thành công của việc chuyển đổi từ tổng công ty 100% vốn nhà nước sang doanh nghiệp (DN) đa sở hữu là ở chỗ đã thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước; mang lại cho Nhà nước khoản tiền đáng kể từ việc đánh giá lại giá trị vốn tại Vinaconex để CPH cũng như khoản giá trị thặng dư thu được từ việc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ qua hình thức đấu giá tại các trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ kết quả chuyển đổi thành công của Vinaconex, nhiều ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có được bài học kinh nghiệm để CPH thành công sau này. Sau khi trở thành tổng công ty cổ phần, Vinaconex tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam trên lĩnh vực xây lắp. Trên cương vị tổng thầu xây lắp hay chủ đầu tư, Vinaconex đã cùng các đơn vị thành viên bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đúng thời hạn. Tiêu biểu là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt, tổ hợp Thủy điện Buôn Kuốp, Thủy điện Buôn Tua Srah… hay các công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, như Đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội, Khách sạn Hanoi Plaza… Hàng loạt dự án quan trọng trên khắp mọi miền đất nước đã góp phần nâng cao uy tín, năng lực và một lần nữa khẳng định giá trị thương hiệu Vinaconex.
Cùng với lĩnh vực xây lắp, đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) cũng đã mang lại cho Vinaconex giá trị gia tăng lớn trên tổng doanh thu. Trên thị trường BĐS hiện nay, Vinaconex là thương hiệu lớn gắn liền với các dự án có tên tuổi như các khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Bắc An Khánh (Hà Nội), Thảo Điền (TP Hồ Chí Minh) hay dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà (Hải Phòng)… Đặc biệt, Vinaconex còn trở thành một trong những DN tiên phong của ngành xây dựng thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội với hàng loạt dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, các đối tượng xã hội. Không chỉ mang lại lợi nhuận, những dự án này đã góp phần củng cố và nâng cao giá trị thương hiệu Vinaconex với xã hội.
Sau khi CPH, tổng công ty đã thực hiện thành công các giải pháp tài chính; phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu DN (các năm 2007, 2010) và phát hành cổ phiếu phục vụ nhu cầu tăng vốn điều lệ lên 1.850 tỷ đồng năm 2008 và tăng tiếp lên 3.000 tỷ đồng năm 2010. Đến nay, tổng công ty đã thoái vốn hoàn toàn, hoặc một phần tại 28 đơn vị có vốn góp, giảm số lượng các đơn vị có phần vốn góp của tổng công ty xuống còn 65 ở thời điểm hiện tại. Nếu như năm 2007, tổng doanh thu toàn tổng công ty chỉ đạt hơn 7.200 tỷ đồng, thì hết quý III-2011 đã đạt hơn 10.500 tỷ đồng; tổng tài sản tăng từ 19.200 tỷ đồng (năm 2007) lên 31.177 tỷ đồng (quý III-2011). Tiếp tục kiên trì và triển khai mạnh các giải pháp đã mang lại thành công, giai đoạn 2012-2016, tổng công ty đặt mục tiêu trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS; đồng thời, hình thành các đơn vị nòng cốt trong các lĩnh vực xây lắp, BĐS và các hoạt động khác do tổng công ty nắm cổ phần chi phối; phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%/ năm, nâng cao hơn nữa tỷ trọng từ các lĩnh vực mũi nhọn là xây lắp và kinh doanh BĐS trong cơ cấu ngành nghề toàn tổng công ty.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.