(HNM) - Là
Liên hợp nhà máy Ba Son là cái nôi phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn từ trước giải phóng. Xưởng cơ khí mang số 323, đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1969 đến 1980) từng làm việc và hoạt động cách mạng những năm 1915-1928. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), xưởng đóng tàu Ba Son được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng). Từ ngày 1-1-2000, XNLH Ba Son được chuyển về Tổng cục Công nghiệp quốc phòng theo Quyết định số 1697/1999/QĐ-BQP ngày 8-10-1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ chính của XNLH Ba Son là đóng mới tàu chiến đấu trọng tải đến 2.000 tấn, đóng mới tàu bổ trợ quân sự, tàu chuyên dụng và phương tiện nổi các loại có tải trọng đến 10.000 tấn; sửa chữa trang bị kỹ thuật, phương tiện tàu thuyền quân sự hoạt động tại vùng biển, đảo phía Nam và tàu vận tải các loại có lượng giãn nước đến 70.000 tấn; bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến của quân chủng hải quân theo nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề giỏi, đơn vị còn tham gia đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện nổi phục vụ nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu...
10 năm trở lại đây, Ba Son đã có bước đột phá quan trọng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Ba Son gặp nhiều khó khăn về vật tư, tài chính, trang thiết bị công nghệ… nhưng khi nhận nhiệm vụ sửa chữa các tàu hộ vệ chống ngầm (tàu săn ngầm có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ngầm) cấp bách, đơn vị đã tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ với kinh phí rẻ hơn rất nhiều. Khi đó, nếu mang tàu ra nước ngoài sửa chữa và khôi phục phải mất hơn 80 triệu USD, trong khi sửa chữa tại Ba Son chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Việc khôi phục thành công các tàu hộ vệ chống ngầm không chỉ góp phần bảo đảm lượng tàu cần thiết để quân chủng hải quân bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, mà còn tiết kiệm được ngân sách quốc phòng. Tinh thần vượt khó đó được nuôi dưỡng trong một tập thể luôn gắn bó và đoàn kết, mỗi người đều tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của đơn vị mình và một tấm lòng yêu nước nồng nàn. Đó cũng chính là sức mạnh của Ba Son.
Cùng với việc sửa chữa các loại tàu cho hải quân, Ba Son đã thực hiện đóng mới tàu quân sự, trong đó có tàu vận tải quân sự có lượng giãn nước 1.000 đến 6.500 tấn và các tàu quân sự hiện đại thế hệ mới trang bị cho quân đội. Đặc biệt, Ba Son là đơn vị đầu tiên đóng mới thành công tàu cao tốc vỏ nhôm hiện đại, có tính cơ động cao, linh hoạt (có khả năng quay vòng tròn tại chỗ, cập bến bằng di chuyển ngang, đang tiến có thể lùi với tốc độ cao trong thời gian chưa đầy 2 phút) và trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, hỏa lực mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cảnh sát biển. Đồng thời, đóng mới 3 tàu cao tốc vỏ thép trang bị cho cảnh sát biển, góp phần nâng cao tiềm lực, khả năng chiến đấu của hải quân và cảnh sát biển trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hơn nữa, Ba Son còn đóng mới thành công tàu tên lửa cao tốc hiện đại đầu tiên có sức cơ động cao, trang bị hỏa lực mạnh, được chỉ huy tác chiến bằng điện tử với hệ thống vũ khí, khí tài đồng bộ, có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không và trên biển. Để làm được điều này, những người lính thợ Ba Son phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sửa chữa và đóng tàu chiến hiện đại, đầu tư nhiều máy móc thiết bị để đáp ứng kịp thời những yêu cầu về lực lượng tàu cho hải quân làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Ngoài nhiệm vụ đóng và sửa chữa tàu quân sự cho hải quân, Ba Son đã tận dụng năng lực về thiết bị, lao động tham gia làm kinh tế đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cán bộ công nhân viên. 10 năm qua, Xí nghiệp đã sửa chữa hàng trăm lượt tàu kinh tế trong, ngoài nước; đóng mới hàng chục xà lan xuất khẩu và 1 tàu vận tải 6.800 tấn. Phát huy thế mạnh của lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề giỏi, máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất, ứng dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000, đơn vị đã bảo đảm yêu cầu của khách hàng về giá cả, tiến độ, chất lượng, mỹ thuật và độ an toàn cao đối với các loại tàu kinh tế trong, ngoài nước vào sửa chữa. Nhờ đó, uy tín của xí nghiệp từng bước được nâng cao. Doanh thu sản phẩm kinh tế từ năm 1999 đến 2009 tăng 3,37 lần (từ 112,9 tỷ đồng lên 381,2 tỷ đồng).
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đầu tư trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu cao của kỹ thuật công nghệ trong sửa chữa, đóng mới tàu quân sự và nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, xí nghiệp đã đầu tư thêm dây chuyền xử lý, gia công tole hiện đại và nhiều máy móc thiết bị khác phục vụ cho sản xuất. Hằng năm, ngoài nguồn vốn ngân sách, Ba Son đã đầu tư hàng tỷ đồng vốn tự có cho việc mua sắm trang thiết bị, nâng cao năng lực. Thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, những người lính Ba Son đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật công nghệ đóng tàu và bảo vệ môi trường, hợp lý hóa sản xuất… mang lại hiệu quả thiết thực.
Trải qua 34 năm xây dựng và trưởng thành, với truyền thống đấu tranh cách mạng, XNLH Ba Son đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Với những thành tích nêu trên, ngày 28-5-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 732/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho XNLH Ba Son vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu từ năm 2000 đến năm 2009, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.