(HNM) - Đất nước Nhật Bản đang ở trong những hồi tưởng xúc động sau 2 năm ngày cơn động đất và sóng thần khủng khiếp...
Thảm họa trong ngày đen tối 11-3 ấy cũng đã đẩy đất nước Mặt trời mọc lún thêm vào suy thoái kinh tế và xáo trộn chính trị. Gần như trong suốt thời gian qua, thiểu phát luôn như một căn bệnh trầm kha của kinh tế Nhật Bản, khiến nhiều người liên tưởng đến bóng dáng của thập kỷ mất mát cuối thế kỷ XX của xứ Phù Tang. Thế nhưng, dường như bóng đen đang tan dần nhường chỗ cho những tia sáng hồi phục đầu tiên khi số liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản khẳng định GDP xứ Phù Tang trong quý IV năm 2012 đã tăng 0,2%, chính thức chấm dứt giai đoạn suy thoái tồi tệ của một nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Dù còn mong manh, nhưng dấu ấn lạc quan từ nền kinh tế Nhật Bản cho thấy "liệu pháp" mạnh nhằm tái sinh nền kinh tế như cam kết của tân Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu tỏ ra hiệu nghiệm.
Trái ngược với các báo cáo gần đây về mũi nhọn xuất khẩu của Nhật Bản vẫn đang đi xuống do khủng hoảng nợ công ở bạn hàng hàng đầu là Châu Âu, bảng tổng hợp số liệu tháng 1 năm nay dường như khiến cả Chính phủ mới ở Tokyo lẫn người Nhật Bản thấy tự tin hơn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng đầu tiên của năm mới 2013 đã bất ngờ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2012 và chạm mức 4.645 tỷ yên. Sự chuyển biến tích cực trong nỗ lực vượt thoát khủng hoảng của cường quốc số 1 thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn của Nhật Bản được xem là điểm tựa khá vững chắc kéo cỗ máy sản xuất đang ì ạch của xứ hoa Anh đào tăng tốc. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nhất lại nằm ở những chính sách kinh tế mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Shinzo Abe được các nhà phân tích gọi là Abenomics.
Kinh tế Nhật Bản đang từng bước khởi sắc. |
Ngay sau khi tái cử lần hai, vị thủ lĩnh mới của Nhật Bản đã gây sốc cho thế giới với tuyên bố về một chính sách quyết liệt và rõ ràng nhằm duy trì đồng yên yếu và mục tiêu tăng lạm phát lên 2% trong thời gian sớm nhất có thể. Hàng loạt gói kích thích được tung ra với tốc độ dồn dập đến ngỡ ngàng nhằm bơm thanh khoản vào thị trường để phá thế "đá ném ao bèo". Vì thế, đồng nội tệ Nhật Bản với "cuộc bán rẻ" nhanh chóng của Chính phủ đã trở thành cứu tinh cho các nhà sản xuất nước này. Sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản tăng rõ rệt. Cùng với đó, doanh thu cũng tốt lên khẳng định sự chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á của Tokyo là hoàn toàn chính xác. Sản lượng công nghiệp tháng 1 tăng 0,1% so với tháng trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% là dấu hiệu không thể phủ nhận về công hiệu do "liệu pháp" mạnh của ông Shinzo Abe mang lại.
Các ông trùm của những hãng sản xuất danh tiếng thế giới ở đất nước Mặt trời mọc lẫn các nhà đầu tư đang lạc quan về triển vọng tốt hơn của nền kinh tế khi mọi thông tin đều ủng hộ nhận định đồng nội tệ của Nhật Bản sẽ còn suy giảm và nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ đón nhận một gói kích thích khổng lồ nữa trong tương lai gần. Không bỏ qua các tín hiệu lạc quan về kinh tế, cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu đã đồng loạt bứt phá và thắp sáng các bảng giao dịch chứng khoán khắp đất nước Nhật Bản trong ánh xanh hy vọng. Chưa khi nào kể từ ngày 12-9-2008, ngay trước thời điểm Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ đẩy cả thế giới vào cơn hỗn loạn tài chính, chỉ số Neikei đã lấy lại vinh quang của một thời vàng son. Tăng 315,54 điểm so với ngày trước đó, chỉ số quan trọng nhất của chứng khoán Nhật Bản đã đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần ở 12.283,62 điểm, đỉnh cao nhất trong gần nửa thập kỷ qua.
Thật hiếm khi xứ hoa Anh đào đón nhận nhiều tin vui trong cùng một thời điểm như vậy. Thành quả quý giá đầu tiên của hành trình ngược dòng suy thoái đầy khó khăn của xứ Phù Tang đã xuất hiện; mang đến niềm tin lớn hơn về ánh bình minh trong kỷ nguyên Abenomics. Là nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á nhưng ở nhiều khía cạnh và trên tổng thể, Nhật Bản vẫn là đầu tàu có vai trò dẫn dắt chưa thể thay thế ở châu lục năng động này. Do đó, sự bừng sáng của đất nước Nhật Bản sẽ góp phần quan trọng xua tan mây mù đang bao quanh nền kinh tế toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.