(HNM) - Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang sở hữu khoảng 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 9 di sản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới, hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ và một hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống trải suốt từ Bắc tới Nam.
Tiềm năng rất to lớn nhưng có thể nói du lịch Việt Nam hiện đang… ăn xổi. Ở bất kỳ khu du lịch nào, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách. Bên cạnh đó là môi trường ô nhiễm nghiêm trọng bắt nguồn từ sự yếu kém của nhà quản lý lẫn sự vô ý thức của người dân. Nhiều địa phương phát triển du lịch thiếu quy hoạch chi tiết và quá "nóng" nên xảy ra tình trạng cảng cá nằm trong bãi biển, đường ống dẫn nước thải của các khu dân cư, khách sạn, nhà nghỉ không qua xử lý đổ thẳng ra bãi biển... Khách du lịch và người dân thì vô tư xả rác hoặc có các hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường. Nhìn ra nước ngoài, ta sẽ thấy sự khác biệt. Ở Pháp, người ta nâng niu những thứ mà thiên nhiên ban tặng nên rất nghiêm khắc trong việc bảo tồn chúng. Người Pháp rất quý trọng khách du lịch nhưng họ không để khách lấy từ viên sỏi, vỏ sò trên bãi biển đem về nhà vì họ cho rằng đó là hành động cần thiết để bảo vệ thiên nhiên. Tại Koh Chan, bãi biển lớn thứ hai ở Thái Lan, để bảo vệ môi trường, chính quyền đã cấm bơi lặn ở một vài nơi nhằm giảm ô nhiễm biển, tránh gây hại đến san hô và khuấy động đời sống của các loài sinh vật biển.
Cách làm du lịch của ta hiện giống như cách làm của người nông dân, trồng được cây gì, nuôi được thứ gì thì bày lên bàn đãi khách thứ ấy chứ không biết chế biến sao cho nó hấp dẫn. Ta có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và có bãi biển được xếp hạng tầm quốc tế, nhưng trên phạm vi cả nước, chưa có được một khu du lịch tầm cỡ và có tên tuổi như Pataya, Phuket (Thái Lan), Sentosa (Singapore), Bali (Inđônesia), hay Genting, Langkawi (Malaysia)…
Không chỉ ở tầm vĩ mô, từng sản phẩm du lịch của ta cũng thể hiện rõ cái nghèo nàn. Tấm vé vào tham quan ở nhiều nơi không hề rẻ, có nơi lên tới vài chục nghìn đồng đối với người Việt Nam (với người nước ngoài còn cao gấp rưỡi đến gấp đôi) nhưng nó chỉ là một miếng giấy bé bé, in ấn sơ sài mà không có một thông tin gì về địa điểm tham quan như vị trí, lịch sử, đặc điểm di tích… Trong khi đó, ở các nước láng giềng, tấm vé vào cửa tham quan di tích của họ chẳng khác nào một tờ brochure in ấn rất đẹp, giới thiệu đầy đủ kèm hình ảnh minh họa để khách du lịch tiện theo dõi và giới thiệu lại cho bạn bè sau mỗi chuyến đi.
Mấy năm qua, số lượng khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam khá cao. Đây tưởng như là một tín hiệu đáng mừng nhưng nhìn ở một khía cạnh khác thì lại đáng lo ngại vì số khách du lịch quay lại Việt Nam rất thấp. Đó chính là hậu quả của việc làm du lịch theo kiểu "ăn xổi…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.