(HNM) -
Một cảnh quay tuyệt đẹp trong phim. |
Suốt hơn 100 phút phim, cảm giác như người xem đang ở trong một cuộc dạo chơi của thế giới hội họa và điện ảnh. Mỗi khuôn hình đều đẹp như tranh vẽ. Mỗi cử chỉ, diễn xuất của diễn viên đều là một thứ ngôn ngữ của nghệ thuật thứ bảy. Ngay cả sự tương phản giữa vẻ thanh bình và bóng dáng chiến tranh, giữa sự sống và cái chết thì phần tươi sáng, lãng mạn, vẻ đẹp của đời sống vẫn là phần chủ đạo. Dẫn dắt suốt hơn 100 phút phim là một tiết tấu chậm, không dành cho người xem nôn nóng, đồng thời bộc lộ rõ ý đồ phục vụ cho chủ đề tác phẩm của đạo diễn…
Bối cảnh của phim là năm 1915, một năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ và 4 năm trước khi danh họa Auguste Renoir qua đời. Auguste Renoir (1841-1919) là người tiên phong trong trường phái ấn tượng của hội họa, người luôn đề cao vẻ đẹp nữ giới và đã cống hiến hàng nghìn tác phẩm phong phú trong suốt 60 năm lao động nghệ thuật miệt mài của mình. Phim tái hiện những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời Auguste Renoir nhưng lại lồng ghép với những bước khởi đầu của con trai ông Jean Renoir trong hành trình đến với điện ảnh. Và nhân vật tạo nên những thay đổi trong cuộc sống của cha con Renoir là Andrée Heuschling - một thiếu nữ chưa tròn đôi mươi, mắt sáng, mái tóc bồng bềnh nâu đỏ và cũng đầy những khao khát nghệ thuật. Cô người mẫu trẻ đã trở thành mối liên kết giữa thế giới nội tâm của hai cha con Renoir sau khi Renoir con trở về nhà từ mặt trận để dưỡng thương. Đặc biệt, Andrée Heuschling còn là động lực và nguồn cảm hứng để Jean Renoir tách khỏi cái bóng lớn của cha mình, tự tin trong ước mơ đến với điện ảnh và sau này trở thành một tên tuổi của Pháp cũng như Hollywood.
Không có những cao trào dữ dội, nhưng những tình huống mâu thuẫn của các nhân vật cũng bộc lộ nhiều quan điểm nghệ thuật. "Thiên tài không có chuyện di truyền" là một trong những câu nói của Auguste Renoir trong bộ phim, cho thấy người nghệ sĩ nào cũng trước hết phải là một cá tính sáng tạo, đồng thời cũng phải là một ngọn lửa của sự đam mê và dâng hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Khi bác sĩ yêu cầu Auguste Renoir đứng lên tập đi, vị họa sĩ già sau những bước chân mệt mỏi đã thốt lên rằng, ông muốn từ chối việc này vì nỗ lực đứng lên tập đi sẽ lấy mất của ông chút sức lực cuối cùng mà ông muốn dành trọn vẹn cho hội họa. Cũng như vậy, ở một trường đoạn khác, Auguste Renoir nói với người con trai đang giúp ông chuẩn bị màu vẽ, rằng: Chúng ta từ chối màu đen vì nghệ thuật phải làm cho cuộc sống này tươi sáng hơn.
Trong khi chờ đợi Andrée Heuschling, một người mẫu trẻ khác nói với người họa sĩ già: "Hay ông cứ vẽ tôi trước rồi cô ấy đến thì ông vẽ thêm vào". Lão họa sĩ ngoài 70 với chòm râu trắng và đôi bàn tay nổi những vết chai tuổi tác, bệnh tật đã nói: "Không, nghệ thuật không thể làm thế được". Quả thực, dẫu người xem không phải ai cũng am hiểu hội họa, nhất là hội họa trừu tượng, nhưng khó mà không đồng cảm với câu nói này của người nghệ sĩ. Bởi nghệ thuật thực sự là một cuộc tận hiến trọn vẹn, thứ luôn vươn tới sự hoàn hảo và chắc chắn không phải là kết quả của những chép ghép vật chất!
"Renoir" của đạo diễn Gilles Bourdos không phải là một bộ phim dễ xem hay hấp dẫn theo cách cảm thụ hiện nay, nhưng nó để lại một ấn tượng man mác và sâu sắc về vẻ đẹp của hội họa, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.