Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấn tượng Hà Nội, ấn tượng Việt Nam!

Phương Quỳnh| 22/01/2020 14:48

(HNM) - Những ngày cuối tháng 2-2019, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới khi là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. Hơn 3.000 phóng viên quốc tế đã có mặt tại Hà Nội để đưa tin về sự kiện đặc biệt này. Dù có ít thời gian để chuẩn bị, song công tác "hậu cần" của nước chủ nhà Việt Nam đã được dư luận thế giới đánh giá cao, để lại những ấn tượng đẹp đối với bạn bè quốc tế.

Phóng viên nước ngoài ấn tượng với khu ẩm thực tại Trung tâm Báo chí quốc tế.

Công tác chuẩn bị hoàn hảo

Việc lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng hàng đầu thế giới không chỉ cho thấy sự tin tưởng của Hoa Kỳ và Triều Tiên về khả năng bảo đảm hậu cần, an ninh của Việt Nam mà còn khẳng định đất nước hình chữ S đã trở thành biểu tượng của cầu nối hòa bình, một điển hình cho hành trình khép lại quá khứ và mở cửa hội nhập, phát triển thịnh vượng.

Xác định rõ đây là sự kiện đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu của đất nước trong năm 2019, đồng thời cũng là cơ hội tốt để quảng bá với thế giới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thành phố Hà Nội đã khẩn trương hoàn thành các khâu chuẩn bị cho hội nghị một cách tốt nhất. Chỉ trong vòng 10 ngày, Hà Nội như được thay một tấm áo mới. Các tuyến đường được trang trí trên 4.000 giỏ hoa, gần 500.000 cây xanh. Gần 4.000 điểm trên toàn thành phố được treo cờ 
3 nước Việt Nam - Hoa Kỳ - Triều Tiên.  

Sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của các sở, ban, ngành thành phố và các đơn vị liên quan đã góp phần làm nên thành công của công tác chuẩn bị cho hội nghị. Ấn tượng với điều này, phóng viên Rafal Tomanski - Báo Business Insider (Ba Lan) cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến Hà Nội nhưng luôn cảm thấy bị hấp dẫn bởi thành phố xinh đẹp này. Người dân Hà Nội thật thân thiện, tạo cho khách đến thăm cảm giác bình yên, an toàn. Chỉ trong vòng 10 ngày, tất cả các khâu chuẩn bị đều hoàn hảo. Các bạn đã thể hiện rất tốt vai trò cầu nối hòa bình”.

“Công xưởng” sản xuất tin tức  

Được bố trí khoa học, hiện đại và dịch vụ tốt, Trung tâm Báo chí quốc tế với các trang thiết bị đồng bộ có thể đáp ứng cho hơn 3.000 phóng viên hoạt động, đồng thời đã tạo được thiện cảm ngay từ ban đầu với các phóng viên quốc tế về sự chuyên nghiệp và khả năng tổ chức những hoạt động mang tầm vóc thế giới của nước chủ nhà. Vì lý do an ninh, việc trực tiếp ghi hình, đưa tin các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rất hạn chế. Vì thế, đa số phóng viên phải tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế. Nhờ hạ tầng kỹ thuật tốt, sự chuẩn bị chu đáo dành cho hoạt động báo chí, nhiều hãng thông tấn quốc tế đã lập ngay trường quay dã chiến tại khắp các góc ở Trung tâm Báo chí quốc tế để có thể truyền thông tin về nước bất cứ lúc nào. Do lệch múi giờ, khung giờ vàng phát sóng của các nước châu Âu và Mỹ lại vào buổi tối ở Việt Nam, nên từ 21h đến 3h sáng, sảnh chính của Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, nơi đặt Trung tâm Báo chí quốc tế, luôn sáng đèn và tấp nập với những bản tin trực tiếp được phát đi từ các kênh Fox News, VOA, Eurovision, DW... 

Bận rộn và luôn trong trạng thái “trực chiến”, các phóng viên đều chia sẻ sự hài lòng khi được nước chủ nhà tạo mọi điều kiện tác nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đồng thời đánh giá cao khâu tổ chức chuyên nghiệp của Việt Nam. John Roberts, một nhà báo kỳ cựu của kênh truyền hình nổi tiếng Mỹ Fox News cho biết, có 30 phóng viên của kênh này tham gia tác nghiệp tại hội nghị. Phần lớn thời gian ông và các đồng nghiệp bám trụ tại Trung tâm Báo chí quốc tế. Suốt hơn 2 ngày diễn ra hội nghị, hầu như ông thức trắng để kịp thực hiện các tin, bài về cuộc gặp lịch sử. “Chúng tôi được phục vụ đầy đủ các nhu cầu thiết yếu, từ trang thiết bị truyền dẫn, wifi đến thức ăn, nước uống nên có thể hoàn toàn tập trung cho công việc mà không bị phân tâm bởi những vấn đề khác”, nhà báo John Roberts chia sẻ. 

Trong khi đó, Louies Ulrika Bergsten, phóng viên Đài Truyền hình Thụy Điển nhận xét, Việt Nam đã tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên tác nghiệp. “Các bạn còn đưa ra nhiều chính sách ưu tiên dành cho báo chí. Các phóng viên được cung cấp phương tiện di chuyển đến các địa điểm tác nghiệp bằng xe buýt hai tầng và hệ thống xe chuyên biệt, được tham gia các tour du lịch miễn phí quanh Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình và điều đó thật thú vị”, phóng viên này cho biết.

Những đóng góp thầm lặng

Dù thời gian diễn ra hội nghị không dài nhưng cũng đủ để lưu lại những hình ảnh đẹp về một thành phố Hà Nội an toàn, hiếu khách, giàu truyền thống văn hóa trong lòng bạn bè quốc tế. Đằng sau những thành công về mặt tổ chức là sự vận hành nhịp nhàng của cả một bộ máy từ trung ương tới địa phương, trong đó có đội ngũ phục vụ không quản ngày đêm miệt mài ở khắp các địa điểm liên quan tới hội nghị. Trong số đó, nơi tạo được dấu ấn khó quên đối với các phóng viên nước ngoài là khu vực ẩm thực tại Trung tâm Báo chí quốc tế. 

Phóng viên Toni Semaan của Hãng Sky News Arabia cho biết, anh cảm thấy choáng ngợp khi bước vào khu phục vụ thức ăn dành cho các phóng viên. Các món ăn được bài trí như một tác phẩm nghệ thuật. Rất nhiều đặc sản truyền thống của Hà Nội như bún chả, bánh cuốn Thanh Trì, bún thang, phở Thìn, xôi chè, bánh khúc cô Lan, giò chả, chè sen Tây Hồ, cà phê trứng... đã cho thấy một nền ẩm thực Hà Nội đa dạng, tinh tế. “Chắc chắn sau sự kiện này, ẩm thực Hà Nội và Việt Nam sẽ được các nhà báo quốc tế giới thiệu rộng rãi bởi chúng thực sự rất tuyệt vời”, Toni Semaan khẳng định. Với Hiroshi Kanzaki, phóng viên của Đài Kansai (Nhật Bản), thái độ niềm nở, lịch thiệp, sự kiên nhẫn của các đầu bếp và những người phục vụ khi tiếp đón số lượng lớn phóng viên đã để lại cho anh nhiều cảm mến về sự nhiệt tình, thân thiện và mến khách của người dân Hà Nội.

Ít ai biết rằng, để có được hình ảnh đẹp này, hầu hết các chủ cửa hàng nhận lời tham gia phục vụ tại Trung tâm Báo chí quốc tế đều phải dành nhiều nỗ lực để bảo đảm hoạt động trong điều kiện áp lực về thời gian. Bà Nguyễn Ngọc Thu, đại diện thương hiệu phở Thìn 61 Đinh Tiên Hoàng cho biết, trung bình mỗi ngày, quầy của bà phục vụ hơn 1.000 bát phở. Theo dự kiến, ban đầu quầy chỉ phục vụ bữa sáng, bữa trưa, nhưng do các phóng viên quốc tế yêu mến món ăn này nên phở Thìn tăng cường thêm bữa tối. Để bảo đảm đủ số lượng, cả gia đình bà Thu phải cùng tham gia cho dù đã tăng gấp đôi lượng nhân viên. 

“Mỗi ngày tôi chỉ dám chợp mắt 2-3 giờ, có hôm cùng nhân viên luộc thịt, thái thịt, đun nước dùng thâu đêm”, bà Thu tươi cười chia sẻ. Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Tín, chủ quầy giò chả cho biết đã từng tham gia vài sự kiện về ẩm thực có quy mô lớn nhưng chưa bao giờ thấy vấn đề an toàn thực phẩm được siết chặt như vậy. Cứ khoảng 1 giờ, nhân viên y tế lại đến các quầy hàng lấy mẫu, kiểm tra xem trong thực phẩm có hàn the, phoóc môn, chất bảo quản và có đáp ứng yêu cầu vệ sinh hay không. 

Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, công tác y tế cho hội nghị cũng được các phóng viên đề cao. Bác sĩ Phạm Việt Hà, Bệnh viện Xanh Pôn - người làm nhiệm vụ trực tại Phòng Y tế của Trung tâm Báo chí quốc tế cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị, vì tính chất căng thẳng của công việc nên cũng có nhiều nhà báo cần hỗ trợ y tế. Trong số đó có phóng viên Thái Lan bị thương ở đầu gối, phóng viên Nhật Bản bị dị vật ở tai, phóng viên Mỹ bị gout khó di chuyển... Đáng chú ý có một trường hợp bệnh nhân người Hàn Quốc 42 tuổi bị chỉ số huyết áp tăng rất cao khi tới khám. Tuy nhiên, phóng viên này không hề biết mình bị huyết áp cao đột ngột. Các bác sĩ đã đề nghị bệnh nhân lưu lại Phòng Y tế, kê đơn thuốc và điều trị tới lúc ổn định.

Những câu chuyện đáng nhớ này đã trở thành kỷ niệm khó quên đối với những người đã có cơ hội được tham gia vào một trong những sự kiện được cả thế giới mong đợi, tạo nên mối thiện cảm tốt đẹp về Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình và đóng góp cho thành công chung của hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng Hà Nội, ấn tượng Việt Nam!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.