Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn và tiện lợi

Thế Đan| 09/08/2021 06:07

(HNM) - Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2398/UBND-KSTT ngày 27-7-2021 về việc triển khai một số biện pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” các cấp để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, UBND thành phố yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng công bố địa chỉ, người tiếp nhận thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến; chỉ tiếp 1 công dân vào một thời điểm tại bộ phận "một cửa" khi cần và phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch...

Sau hơn 10 ngày thực hiện chỉ đạo trên cho thấy, bộ máy quản lý hành chính từ thành phố đến cơ sở, trong đó có bộ phận “một cửa” của UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đều vận hành thông suốt, an toàn, tiện lợi. Những nhu cầu giao dịch hành chính của người dân với chính quyền được giải đáp kịp thời…

Trước mắt, theo nội dung Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6-8-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội đến 6h ngày 23-8-2021. Do đó, việc giải quyết thủ tục hành chính của công dân, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện theo Văn bản số 2398/UBND-KSTT.

Trong bối cảnh ấy, các cơ quan hành chính của thành phố cần tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng đòi hỏi cao về thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ tại các cơ quan hành chính nói chung, trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính nói riêng. Do đó, mỗi người trong “dây chuyền” này trước hết phải ý thức rõ chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân ngang bằng, thậm chí cao hơn so với khi chưa thực hiện giãn cách xã hội...

Thực tế, bối cảnh dịch bệnh cũng thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, muốn thành công còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tính sẵn sàng, sự minh bạch của hệ thống dịch vụ công trực tuyến và quan trọng nhất là làm thế nào để người dân thấy tiện dụng hơn việc mang hồ sơ đến bộ phận “một cửa”... Vì thế, yêu cầu đầu tiên là phải chuẩn hóa thủ tục, chuẩn hóa hệ thống để mọi người dễ sử dụng, gồm cả việc thanh toán trực tuyến, gửi hồ sơ đăng ký và nhận kết quả từ xa một cách thuận lợi. Việc này cần thực hiện triệt để, dần giảm bớt tâm lý e ngại của người dân khi sử dụng dịch vụ trực tuyến nhưng vẫn phải đến bộ phận “một cửa” để trực tiếp thực hiện một công đoạn nào đó. Song song, cần hướng đến số hóa các hồ sơ tài liệu thay vì sử dụng hồ sơ giấy và đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, vấn đề liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước là rất quan trọng, giúp các cơ quan trao đổi và sử dụng thông tin đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp không phải khai lại thông tin nhiều, giảm số lần đến cơ quan nhà nước, dịch vụ được sử dụng thuận tiện.

Khi có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan hành chính, bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết công việc và người dân chủ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì việc xử lý hồ sơ hành chính sẽ an toàn, tiện lợi và thông suốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn và tiện lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.