(HNMO) - Việc để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động làm ảnh hưởng lâu dài, dai dẳng cho nạn nhân, gia đình, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và xã hội. Do đó, các bên liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nỗi đau dai dẳng
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, giai đoạn 2015-2020, mỗi năm, toàn thành phố xảy ra hơn 200 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 200 người bị nạn. Còn trên phạm vi cả nước, trung bình mỗi năm xảy ra gần 8.300 vụ tai nạn lao động, khiến gần 8.500 người bị nạn.
So với giai đoạn trước, số lượng các vụ việc tai nạn lao động tuy giảm, nhưng tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề… Chẳng hạn, vụ sập công trình xây dựng nhà máy Công ty cổ phần AV Healthcare, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), xảy ra vào tháng 5-2020 làm 10 người chết, 15 người bị thương. Hay vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vào cuối tháng 7-2020, làm 4 người chết…
Hậu quả do tai nạn lao động là không thể đo, đếm, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, phía sử dụng lao động vừa phải đền bù thiệt hại cho người lao động, vừa ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của đơn vị, doanh nghiệp. Về phía người lao động, đa số họ là trụ cột trong gia đình, nên khi không may gặp nạn, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính kiệt quệ...
Bà Lê Thị Xuyên, thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, chồng bà là ông N.T.B, là một trong 4 nạn nhân vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng). Từ ngày ông B bị tai nạn qua đời, cuộc sống của gia đình bà rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
“Tôi có hai người con trai, con cả năm nay ngoài 30 tuổi, nhưng bị liệt, thiểu năng trí tuệ, luôn phải có người bên cạnh chăm sóc, còn người con thứ hai đang đi học. Một mình tôi vừa chăm sóc cho các con, vừa lo kinh tế gia đình, nên từ khi chồng tôi mất do tai nạn, cuộc sống chồng chất khó khăn”, bà Xuyên chia sẻ.
Từng bị tai nạn lao động dẫn đến thương tật với tỷ lệ 57%, anh Trần Văn Bảo, công nhân Công ty TNHH Hanoi Steel Centen, hiện trú tại xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho hay: “Do thiếu tập trung, tôi bị tai nạn lao động vào năm 2018, phải phẫu thuật nối gân, dập cơ. Chi phí cho ca phẫu thuật khá tốn kém, lại bị suy giảm khả năng lao động, khiến cuộc sống gia đình tôi thường thiếu trước, hụt sau”.
Chủ động phòng ngừa
Đánh giá về vấn đề tai nạn lao động, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm hơn 40%; do người lao động chiếm hơn 20%.
“Hiện nay, người sử dụng lao động chưa quan tâm xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu thiết bị bảo đảm an toàn lao động hoặc không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động. Nhiều người lao động cố tình không sử dụng các thiết bị bảo đảm an toàn hoặc vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động”, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng phản ánh.
Trước thực trạng này, năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động phòng ngừa tai nạn lao động bằng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi, phấn đấu giảm tần suất tai nạn lao động tối thiểu 5% mỗi năm.
Những đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trong 3 năm liên tục sẽ được đề xuất giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo tinh thần Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, tháng 1-2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Trung tâm quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; thực hiện công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thử nghiệm; tư vấn về an toàn lao động…
Cùng với đó, việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 31-5 sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động của các bên liên quan...
Để góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Tại Hà Nội, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung phòng ngừa tai nạn lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Phấn đấu trong năm 2021, Hà Nội có ít nhất 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động; có thêm ít nhất 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động...
"Việc bảo đảm an toàn lao động sẽ được các bên liên quan cố gắng thực hiện bằng nhiều giải pháp, không để “mất bò mới lo làm chuồng"", Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.