(HNM) - Xe chở quá tải là hiện tượng khá phổ biến trên các tuyến giao thông và chưa được giải quyết dứt điểm. Chủ doanh nghiệp (DN) luôn muốn nâng tải trọng phương tiện để kiếm lợi, trong khi các cơ quan quản lý lại hạn chế để bảo đảm chất lượng cơ sở hạ tầng. Để giải quyết vấn đề, điều cần thiết là phải tìm ra được tiếng nói chung, vì lợi ích của xã hội.
Bùng nhùng chuyển tải trọng
Tình trạng chở quá trọng tải diễn ra rất phổ biến. Ảnh: Khánh Nguyên
Quản lý tải trọng phương tiện là một trong những biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành nhằm siết chặt quản lý trong lĩnh vực này, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như ý. Trên thực tế, số phương tiện chở quá tải chạy trên các tuyến đường vẫn rất phổ biến, bởi không có hệ thống kiểm soát. Tháng 6-2010, Bộ GTVT đã cho tổ chức thí điểm trạm cân trên Quốc lộ 18 (Quảng Ninh) nhưng chỉ sau một thời gian ngắn phải ngừng hoạt động vì gây ùn tắc. Trạm cân đặt tại Dầu Giây (Đồng Nai) cũng có không ít điều tiếng khi đưa vào hoạt động...
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là mâu thuẫn giữa quy định về tải trọng với thực tế. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Phạm Trọng Thịnh cho biết, với quy định tải trọng cầu đường hiện tại, hầu hết xe container đều vi phạm. Ông kiến nghị bỏ cách tính tải trọng theo trục xe và nâng tổng tải trọng cho phép lên tới 48-50 tấn. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Trung phàn nàn, trong khi Bộ GTVT hướng dẫn tính tải trọng theo trục xe, qua được trạm cân, nhưng vẫn bị cơ quan chức năng xử phạt. Theo ông Trung, sự không thống nhất giữa các cơ quan chức năng khiến DN "khó xử".
Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Mai Xuân Hồng cho biết, Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ đường giới hạn… được xây dựng trên cơ sở tham khảo của 141 quốc gia. Trên thế giới hiện cũng không có nhiều quốc gia cho phép xe trên 40 tấn lưu thông nhằm bảo đảm chất lượng hạ tầng. Với Việt Nam, điều này càng cần thiết, bởi vốn bảo trì, bảo dưỡng đường bộ hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, với những kiến nghị hợp lý, Bộ GTVT sẽ xem xét, nghiên cứu để nâng tải trọng cho thích hợp vừa tạo điều kiện cho DN vừa bảo đảm chất lượng đường giao thông.
Không nới lỏng kiểm định với xe sơ mi rơ mooc
Cũng liên quan tới loại xe siêu trường, siêu trọng là vấn đề kiểm định chất lượng phương tiện. Đại diện Hiệp hội Vận tải các địa phương kiến nghị kéo dài chu kỳ kiểm định đối với xe sơ mi rơ mooc từ 12 tháng/lần hiện nay lên 36 tháng/lần để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đỗ Hữu Đức cho biết, tuy có kết cấu đơn giản hơn ô tô, nhưng tốc độ di chuyển của loại xe này tương đương xe đầu kéo, nên tiềm ẩn khả năng tai nạn cao nếu không bảo đảm chất lượng. Cục Đăng kiểm dẫn chứng, thực tế những năm qua cho thấy, tai nạn do xe kéo sơ mi rơ mooc chiếm tỷ lệ không nhỏ. Do vậy, việc bắt buộc kiểm định kỹ thuật là đặc biệt cần thiết. Về chu kỳ kiểm định, ông Đức cho biết, quy định 12 tháng/lần là phù hợp với xe sơ mi rơ mooc, bởi lẽ số xe này đang lưu hành ở nước ta đều đã qua nhiều năm sử dụng. Thống kê cho thấy hiện có 7.179 xe có thời gian sử dụng trên 10 năm, trong đó 5.063 xe đã sử dụng trên 15 năm. Đáng chú ý, kết quả kiểm định từ ngày 1-9-2009 đến 31-8-2010 cho thấy, xe sơ mi rơ mooc không đạt tiêu chuẩn tại lần kiểm tra đầu tiên khá cao lên tới 1.785 lượt xe. Ngoài ra, tại các quốc gia phát triển, có chế độ bảo dưỡng kỹ thuật, hạ tầng tốt hơn hẳn Việt Nam: Đức, Mỹ, Canada… nhưng vẫn áp dụng quy định kiểm định 12 tháng/lần với loại xe này. Đáng chú ý, tại Đài Loan (Trung Quốc), xe sơ mi rơ mooc sử dụng dưới 5 năm cũng phải kiểm định 12 tháng/lần; xe sử dụng trên 5 năm thì 6 tháng phải kiểm định/lần. Yêu cầu quan trọng đặt ra là an toàn cho người tham gia giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.