Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn để giữ sạch phố phường

Dạ Khánh| 01/06/2021 06:10

(HNM) - Là ngành nghề dịch vụ đặc thù không có ngày nghỉ, môi trường làm việc của công nhân vệ sinh môi trường còn đối mặt với nhiều nguy hiểm khi thường xuyên phải bám đường, tiếp xúc trực tiếp với rác thải. Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để bảo đảm phố phường sạch, công nhân an toàn, công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe công nhân luôn được đặt lên hàng đầu...

Xe quét đường được khử khuẩn cẩn thận trước khi giao cho công nhân làm nhiệm vụ vệ sinh phố phường.

Thực hiện “mục tiêu kép”

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác thải, được các đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển đến các khu xử lý rác của thành phố. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị vệ sinh môi trường có phương án phòng, chống dịch cho cán bộ, công nhân lao động.

Là đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, duy trì vệ sinh môi trường tại 16/30 quận, huyện của thành phố và tổ chức vận hành 2 khu xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Phạm Văn Đức cho hay: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty xác định “mục tiêu kép” là giữ cho phố phường sạch và giữ an toàn cho chính đội ngũ công nhân. Chỉ một công nhân nhiễm dịch bệnh là toàn bộ các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác phải dừng hoạt động, cả hệ thống bị ảnh hưởng nên Urenco đã triển khai công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất. 

Theo đó, bên cạnh việc phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch, Urenco tăng cường xe cơ giới hỗ trợ lao động thủ công, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động (quần áo, khẩu trang, găng tay, ủng, nước súc miệng, nhỏ mắt, dung dịch rửa tay diệt khuẩn..) cho công nhân. Công ty và các xí nghiệp thành viên còn thành lập các tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau mỗi ca làm việc. Tại khu xử lý rác, rác thải trước khi chôn lấp phải thu hết nước rác, phun khử khuẩn; bãi chôn lấp phải được phủ kín bằng vật liệu chuyên dụng. Nước rác sau khi thu gom cũng phải qua hệ thống xử lý, khu vực làm việc cũng thường xuyên được phun khử khuẩn.

Tương tự, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm Phạm Ngọc Minh cho biết: Công ty cấp phát găng tay, khẩu trang, nước súc miệng... cho công nhân lao động trong quá trình làm việc; thường xuyên yêu cầu các tổ, đội thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch...

Đến nay, chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công nhân lao động của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường bị lây nhiễm Covid-19. Công tác sản xuất, thu gom, vận chuyển rác thải tại các địa bàn được duy trì, bảo đảm.

Công nhân yên tâm công tác

Với đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải hằng ngày, đặc biệt là với nguồn rác thải từ các khu vực cách ly, điểm cách ly tập trung, công nhân vệ sinh môi trường là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch cao. Tuy vậy, nhờ được tiếp cận, trang bị kiến thức phòng dịch, nên ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, công nhân lao động đều đã vượt qua rào cản tâm lý, yên tâm công tác.

Chị Nguyễn Thanh Vân, Tổ trưởng Tổ vệ sinh môi trường số 8, Urenco - chi nhánh Ba Đình chia sẻ: Mặc dù lo lắng về dịch bệnh, song do đã được trang bị kiến thức nên chị và các đồng nghiệp không còn tâm lý hoang mang. Trong quá trình làm việc, các chị đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như: Đeo khẩu trang, đeo thêm một lớp găng tay, thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng dung dịch sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng...

Lo lắng cũng là tâm lý ban đầu của chị Đặng Thị Mai, Tổ môi trường phường Gia Thụy (Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm). Tuy nhiên, với kiến thức phòng dịch được trang bị, chị thực hiện theo đúng hướng dẫn. “Tôi luôn đeo 2 lớp khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ lao động... trong quá trình làm việc. Giờ nghỉ, ăn giữa ca... thực hiện rửa tay, sát khuẩn”, chị Đặng Thị Mai chia sẻ.

Đối với việc thu gom rác thải tại các khu vực cách ly, các quận, huyện đều ký hợp đồng thu gom, vận chuyển với các đơn vị xử lý chuyên trách thay vì giao cho những công nhân vệ sinh môi trường vốn không thạo việc này. Đây cũng là cách để bảo đảm an toàn cho công nhân vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên cho biết: Trên địa bàn có một điểm cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Đường sắt (phường Thượng Thanh). Quận đã ký hợp đồng với đơn vị chuyên thu gom, xử lý chất thải công nghiệp và y tế là Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 để bảo đảm thu gom, xử lý an toàn.

Trao đổi với phóng viên, nhiều công nhân vệ sinh môi trường cho biết: Trong quá trình đi thu gom, các chị thấy người dân ở nhiều nơi còn vứt khẩu trang đã sử dụng bừa bãi ở lòng đường, vỉa hè... “Mong cộng đồng cùng chung tay với công nhân môi trường giữ cho nhà cửa, ngõ phố sạch sẽ, cùng góp sức phòng, chống dịch Covid-19 lây lan”, chị Đặng Thị Mai, Tổ môi trường phường Gia Thụy chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn để giữ sạch phố phường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.