Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn còn xa, nếu...

Nữ Quỳnh| 08/01/2012 07:13

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Thật trùng hợp khi văn bản này được ban hành đúng vào dịp phát động "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" năm 2012 (từ ngày 10-1 đến 12-2).

Chiến lược đặt ra 5 mục tiêu cụ thể, gồm: nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng với chỉ tiêu có 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hành đúng về an toàn thực phẩm vào năm 2015; tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cũng như các cơ sở kinh doanh thực phẩm; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính với tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận là dưới 7 người/100.000 dân...

Tuy nhiên mục tiêu là vậy, còn thực hiện cách nào để đạt được mục tiêu ấy lại là chuyện khác.

Sự thật thì vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm không còn là một hiện tượng trong xã hội nữa mà đã trở thành một vấn nạn của Việt Nam. Vài năm trước, những cơ sở chế biến hoặc buôn bán thực phẩm "không sạch" thường hoạt động lén lút nhưng giờ đây đang có xu hướng công khai và ngang nhiên hơn, bất chấp các quy định của pháp luật.

Những ngày này, càng gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn thì thông tin các vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn lại càng xuất hiện nhiều hơn. Mới ngày 4-1 vừa qua, lực lượng chức năng của Hà Nội phát hiện hai kho hàng chứa xương, đuôi bò, nội tạng bốc mùi hôi thối có trọng lượng lên tới 30 tấn tại một gia đình ở huyện Thanh Oai. Trong khi đó tình trạng cố tình sử dụng hóa chất, phụ gia bảo quản thực phẩm, phù phép biến thực phẩm bẩn thành thực phẩm "an toàn" còn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí người ta còn nhập khẩu cả thịt thối, những thứ bỏ đi ở nước ngoài, để phục vụ thượng đế. Các cá nhân buôn gian bán lận đã đành, đến cả các công ty có đăng ký kinh doanh hẳn hoi cũng ngang nhiên lừa đảo, đầu độc người tiêu dùng. Tuần trước, cơ quan chức năng quận Long Biên phát hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Bách Hợp có dấu hiệu gian lận thương mại, phù phép các loại thịt hun khói, xúc xích, salami, bánh kẹo… đã hết hạn sử dụng hàng năm trời, bốc mùi, mốc đen trở thành hàng mới.

Nguồn thực phẩm bẩn như vậy vẫn qua mặt nhà chức trách đưa vào tiêu dùng, nên số lượng các vụ ngộ độc cũng ngày càng nhiều thêm. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh ở các bếp ăn tập thể, các sự kiện tập trung ăn uống đông người, các ngày lễ lớn. Con số thống kê 142 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra năm 2011 mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bản chiến lược nói trên đặt mục tiêu từ năm 2015, các quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu dùng, được triển khai thực hiện trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Nhưng với thực trạng hiện nay, liệu chỉ còn ba năm nữa chúng ta có kịp thực hiện mục tiêu ấy? Có thể, nhưng phải với một thái độ khác, ý thức trách nhiệm khác, chứ không phải như những gì đã từng làm thời gian qua. Khi chế tài chưa đủ mạnh, các hành vi vi phạm chưa được xử lý triệt để, thiếu sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành chức năng việc thực hiện mục tiêu sẽ thật khó khăn. Đó cũng chính là nguyên nhân để thị trường tràn ngập thực phẩm bẩn, phụ gia không rõ nguồn gốc và độc hại, được bày bán công khai, nhưng các lực lượng chức năng lại không thể hoặc không xử lý. Mục tiêu kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn, khép kín từ sản xuất tới bàn ăn, sẽ chỉ là giấc mơ nếu các tồn tại hiện nay không được các cơ quan quản lý nhìn nhận đúng mức và xử lý triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn còn xa, nếu...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.