Theo dõi Báo Hànộimới trên

An sinh xã hội cho lao động di cư

Minh Bắc| 16/12/2015 22:47

(HNMO) - Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam thì lao động di cư khu vực phi chính thức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể đóng góp khoảng 20% tổng GDP của địa phương. Tuy nhiên, 90% trong số họ không được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công...


Việt Nam ngày càng có xu hướng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới và ngày càng phát triển thì xu hướng lao động di cư ngày càng tăng. Bởi đó chính là nguồn lao động phổ thông quan trọng cho các đô thị, góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình ở nông thôn.

Theo nghiên cứu của tổ chức Oxfam thì luồng di cư từ nông thôn ra thành thị đang gia tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ người di cư trong hai thập kỷ qua. Số người di cư giữa các tỉnh tăng từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người năm 1999 và lên tới 3,4 triệu người năm 2009. Dự báo tới năm 2019 sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số. Độ tuổi di cư có xu hướng trẻ hóa; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp.

Thực tế, lao động di cư đã có những đóng góp đáng kể cho khu vực thành thị tuy thu nhập của họ thấp (trung bình chỉ đạt 2,2 đến 2,5 triệu/tháng). Đa số lao động di cư làm các công việc lao động giản đơn trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện… Đó có thể là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế - chính trị - xã hội.

Và để giải quyết vấn đề này, Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (M.net) đã ra đời với mục đích vận động thay đổi hệ thống chính sách để người lao động di cư có thể tham gia và tiếp cận một cách bình đẳng vào hệ thống an sinh xã hội. Lúc này, mạng lưới M.net trở thành cầu nối giữa các các tổ chức hỗ trợ người lao động di cư, đơn vị xây dựng chính sách với các đối tượng lao động di cư, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức.

Với cách tiếp cận như vậy, M.net đã đưa ra một số mô hình hỗ trợ lao động di cư tiếp cận an sinh xã hội khác nhau. Các mô hình này đa dạng về hình thức tổ chức, mang lại hoạt động cộng đồng có ý nghĩa thiết thực, nâng cao cơ hội tiếp cận pháp luật, an sinh xã hội, và cải thiện điều kiện sinh kế cho lao động di cư. Đó là các mô hình Hợp tác xã; mô hình phối hợp giữa tổ chức chính trị-xã hội với tổ chức xã hội; mô hình cung cấp dịch vụ trực tiếp; mô hình đối thoại và vận động chính sách…

Trong đó, mô hình Hợp tác xã nhằm liên kết những người di cư để giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, trau dồi kiến thức và đóng góp vào công tác xã hội, hợp tác xã (HTX) hỗ trợ cho những người lao động di cư khác trong cộng đồng. Nhóm thành viên sáng lập Hợp tác xã là những người lao động di cư với những công việc khác nhau như: xe ôm, xe đẩy, bốc vác, bán hàng rong, giúp việc, chăn nuôi. Họ cùng đóng góp một khoản vốn nhỏ ban đầu, thể hiện sự cam kết của thành viên khi thành lập.

Các thành viên HTX được M.net hỗ trợ tập huấn về lập kế hoạch và triển khai các kế hoạch kinh doanh nhỏ, đồng thời cũng đã thử nghiệm việc quản lý một khoản quỹ hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh hộ gia đình. Ngoài ra, các thành viên HTX còn tham gia tích cực vào một số hoạt động truyền thông cộng đồng, nâng cao năng lực cho những người di cư khác cùng sinh sống trên địa bàn. Phương thức hoạt động của mô hình HTX là hợp tác, tương trợ, nâng cao năng lực nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho lao động di cư giúp họ phát huy được các nguồn lực nội sinh, không phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

Còn đối với người giúp việc gia đình thì có mô hình “Câu lạc bộ dành cho lao động giúp việc gia đình”. Câu lạc bộ sẽ là tổ chức đại diện cho tiếng nói và quyền của lao động giúp việc gia đình. Câu lạc bộ là nơi cung cấp, tuyên truyền phổ biến kiến thức liên quan đến chính sách bằng những hoạt động như: tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến nghề giúp việc gia đình (kỹ năng chế biến món ăn, chăm sóc sức khoẻ, kỹ năng giao tiếp ứng xử với gia chủ…). Mô hình này thực sự thu hút đông đảo lao động giúp việc gia đình và một số gia chủ tham gia…

Với những mô hình như vậy, mạng lưới M.net hy vọng sẽ trở thành cầu nối giữa các đơn vị xây dựng chính sách với các đối tượng đặc thù là lao động di cư, đặc biệt là nhóm di cư lao động phi chính thức. Và đó cũng là cách giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho lao động di cư và qua đó tạo ra sự phát triển ổn định kinh tế - chính trị - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An sinh xã hội cho lao động di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.