(HNM) - Đúng dịp Quốc khánh 2-9, chúng tôi đã trở về xã miền núi An Phú, nơi nghèo nhất huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dọc hai ven đường vào các thôn Đồng Chiêm, Ái Nàng, Nam Hưng… nhiều ngôi nhà 2-3 tầng hiển hiện, trong làn mưa chiều thu, sức sống mới đang bừng lên trong từng con ngõ nhỏ.
Về nơi "rốn" lũ
Đường bê tông khang trang, sạch đẹp ở xã An Phú.
Xã An Phú, thuộc vùng miền núi, bán sơn địa gồm những dãy núi đá vôi bao bọc, cả xã như một "lòng chảo khổng lồ" chứa lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Đồng đất nơi đây xưa kia, chỉ cấy được một vụ lúa. Vào mùa mưa, cả xã như một ốc đảo, trắng xóa nước. Thế nên dân An Phú mới có câu "6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay", có nghĩa là một nửa năm muốn đi đâu đó phải chèo thuyền mà đi. Chị Ngân, cán bộ Phòng Kinh tế huyện cho biết, An Phú là một trong ba xã nằm trong "rốn" lũ của huyện. Vào mùa lũ, đường đi ngập nước sâu khoảng 1m, còn đồng ruộng ngập trắng vài tháng, vì đây là khu vực trũng và chịu phân lũ. Ðợt mưa lũ tháng 11-2008, lực lượng cứu hộ của huyện phải dùng thuyền chở lương thực, thuốc men vào tiếp tế cho dân.
An Phú có diện tích tự nhiên là 2.227ha, dân số hơn 7.000 người, có hai dân tộc Kinh và Mường sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn, trình độ dân trí thấp. Huyện Mỹ Ðức xác định, muốn thúc đẩy kinh tế - xã hội ở An Phú phát triển, phải đầu tư mạnh vào hạ tầng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Nhiều năm qua các công trình phúc lợi đã được xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ năm 2005, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã lập nhiều dự án, vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội như hệ thống đê bao ngăn lũ, đường giao thông nông thôn, đường điện, trường học, nhà văn hóa thôn, công trình nước sạch. Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất... Trước đây, nói tới An Phú ai cũng thấy xa xôi, nhưng nay đã thấy gần hơn nhiều nhờ giao thông các thôn đã được kết nối với trục trung tâm UBND xã và đường mòn Hồ Chí Minh, 70% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa.
Nắng đã lên
"An cư" mới "lạc nghiệp", bà con nông dân các thôn Đồng Chiêm, Nam Hưng, Quán Mai... hiện nay đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất cao đạt trên 60 tạ/ha. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm, nhiều hộ còn mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen cho thu nhập 70-80 triệu đồng/ha/năm. Ở An Phú đã xuất hiện những triệu phú!… Chăn nuôi lợn, bò, dê hiệu quả rõ rệt; thâm canh lúa hai vụ và cây vụ đông cho năng suất cao, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Toàn xã có hơn 300ha nuôi trồng thủy sản và gần 100ha chuyển đổi mô hình lúa - cá. An Phú đã và đang là một trong những địa phương tích cực chuyển đổi bộ giống mới năng suất chất lượng cao.
Chị Bạch Thị Quý, thôn Đồng Chiêm, vui vẻ nói: Trước đây cuộc sống gia đình chị rất khó khăn, ruộng đồng chỉ cấy được một vụ lúa. Năm nào người dân cũng phải đi tránh lũ lụt, khi ra đường phải dùng cà - kheo. Nhưng ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con đã ổn định, nhiều người năng động biết làm ăn trở thành hộ khá, vươn lên thành hộ giàu.
Rời đất An Phú khi cơn mưa chiều thu đã ngớt, cờ Tổ quốc tung bay trên những nóc nhà mới xây nơi "đất mũi" của Thủ đô. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi, cùng với những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi thực sự đã là cây con xóa nghèo, làm giàu cho nhiều hộ. Có thể nói ở đây, đất và người An Phú đang chuyển mình mạnh mẽ và họ hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... đang dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi. An Phú đang nỗ lực thoát nghèo để mảnh đất này không chỉ "an" mà còn "phú" như chính cái tên của mình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.