(HNM) - Một loạt các vụ đánh bom, tấn công gây thương vong lớn tại nhiều thành phố quan trọng của Pakistan trong thời gian qua khiến dư luận thực sự lo ngại về quyết tâm của Islamabad trong việc tìm và diệt các phần tử khủng bố.
Trong một diễn biến mới, ngày 3-9, tại khu vực gần Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ở thành phố Peshawar, Tây bắc Pakistan đã xảy ra vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào xe của Lãnh sự quán Mỹ tại nước này, làm ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 người Mỹ và 18 người khác bị thương. Trước đó, ngày 1-9, bạo lực đã bùng phát ở tỉnh Baluchistan, Tây nam Pakistan khiến 7 người thiệt mạng. Đây cũng là điểm nóng về an ninh, thường hứng chịu những đợt tấn công của Taliban; đồng thời cũng là nơi luôn xảy ra bạo lực sắc tộc giữa hai cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite làm hàng nghìn người thiệt mạng kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng trong ngày 1-9, ở khu vực bộ lạc Bajaur gần biên giới Afghanistan, 3 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ bắn đạn pháo. Trước đó, nhà chức trách an ninh Pakistan cho biết, 15 binh sĩ đã mất tích sau một cuộc giao tranh với các phần tử vũ trang...
Rõ ràng, Taliban, các phần tử vũ trang có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã trở thành nỗi nhức nhối không chỉ của Pakistan mà của cả khu vực Nam Á. Thực tế, trong cuộc chiến cam go này, Islamabad đã có nhiều nỗ lực và cũng chịu không ít tổn thất. Theo thống kê, quốc gia Nam Á này đã mất hơn 3.000 binh sĩ trong những cuộc giao tranh với lực lượng nổi dậy. Trong chiến dịch quy mô lớn nhằm quét sạch phiến quân Taliban khỏi khu vực Tây Bắc bất ổn vừa kết thúc, Islamabad đã mất 36 người. Trong đó có 3 binh sĩ và 2 thành viên của một ủy ban hòa bình được chính phủ hậu thuẫn.
Để hỗ trợ nước chủ nhà, liên quân do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan cũng liên tiếp mở các chiến dịch phối hợp. Cuối tháng 8 vừa qua, giới chức Mỹ loan báo, một trong những thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới phiến quân Haqqani là Badruddin có thể đã bị tiêu diệt trong một trận không kích của máy bay không người lái Mỹ tại bang Bắc Waziristan của Pakistan. Tên này là thủ lĩnh cấp cao của Haqqani chuyên điều hành hoạt động buôn lậu và tài chính của mạng lưới; được cho là đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh chính phủ và phương Tây tại Afghanistan. Trên phương diện tài chính, ngày 30-8, Mỹ đã áp đặt trừng phạt với 8 người Pakistan mà Washington gọi là các thủ lĩnh của nhóm phiến quân Lashkar-e Taiba (LeT) có trụ sở ở Pakistan và một trong số đó được cho là kẻ chủ mưu của những vụ tấn công năm 2008 tại Mumbai (Ấn Độ). Trước đó, Mỹ đã đưa LeT vào danh sách "tổ chức khủng bố" và khẳng định nhóm này có quan hệ với Taliban, mạng lưới Haqqani và Al-Qaeda. Lệnh trừng phạt của Mỹ cấm các cá nhân và tập thể của nước này thực hiện mọi giao dịch với 8 nhân vật này và phong tỏa bất cứ tài sản nào mà chúng sở hữu ở Mỹ...
Dư luận cho rằng, sự mạnh mẽ của Pakistan và đồng minh trong cuộc chiến này là điều đáng làm. Nhưng vấn đề ở đây là sự phối hợp giữa các bên vẫn tạo những khoảng trống không đáng có trong quan hệ hai nước. Chính những cuộc tấn công bằng máy bay do thám không người lái của Mỹ nhằm vào phiến quân vô tình đã gây thiệt hại cho binh sĩ và dân thường Pakistan, tạo ra làn sóng phản đối Mỹ ở Pakistan. Trong khi đó, chính trường Pakistan cũng đang xuất hiện nhiều cơn sóng ngầm. Mặc dù, ngày 27-8, Tòa án tối cao Pakistan quyết định hoãn việc yêu cầu Thủ tướng Raja Pervez Ashraf mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari, vụ việc có thể đẩy ông Ashraf vào chỗ bị phế truất như người tiền nhiệm Gilani, thế nhưng theo dư luận, tín hiệu đó chưa thể khẳng định cơn rối ren trên chính trường nước này đã qua. Nó đã và đang tác động mạnh lên kế hoạch và quyết tâm chống khủng bố của Islamabad.
Do đó, thật khó có thể dự báo nền an ninh của Pakistan sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào khi nhóm phiến quân Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) vừa lên tiếng cảnh báo quân đội Pakistan bằng việc thành lập một "đội đánh bom liều chết" để tấn công các binh sĩ nếu quân đội tiếp tục các chiến dịch tại Bắc Waziristan, khu vực giáp biên giới với Afghanistan. Trong khi đó, thông tin đầy bất lợi đưa đến rằng, trước tình hình bạo lực leo thang, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã quyết định đóng cửa các văn phòng tại hai thành phố Karachi và Quetta ở Pakistan; đồng thời hủy các dự án tại khu vực bộ lạc đầy bất ổn ở Tây Bắc nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.