Theo dõi Báo Hànộimới trên

An ninh cho Iraq: Câu hỏi còn để ngỏ

Trung Hiếu| 23/04/2010 06:58

(HNM) - Iraq đã tiêu diệt thêm một thủ lĩnh thuộc mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Theo các phương tiện truyền thông của nước này, ngày 20-4, Abu Omar al-Baghdadi (biệt danh Abu Suhaib) thủ lĩnh nhóm khủng bố Al Qaeda hoạt động tại các tỉnh Nineveh, Kirkuk và Salahudin, miền Bắc Iraq, đã bị tiêu diệt.

Thủ tướng Nuri al-Maliki thông báo việc tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Abu Omar al -Baghdadi.


Như vậy, chỉ trong chưa đầy 72 giờ, quân đội Iraq đã loại trừ được 3 thủ lĩnh Al Qaeda. Trước đó, ngày 19-4, Thủ tướng Nuri al-Maliki thông báo, hai thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố này tại Iraq đã bị tiêu diệt sáng 18-4 trong một chiến dịch truy quét do lực lượng quân đội Iraq và Mỹ phối hợp thực hiện ở phía Bắc thủ đô Baghdad. Sự kiện này được xem là thắng lợi chiến thuật quan trọng tạo "đòn bẩy" chính trị cho ông Maliki vào thời điểm tranh cãi gay gắt về kết quả bầu cử. Từ Washington, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, thắng lợi này cho thấy sức mạnh và năng lực của các lực lượng Iraq đã có cải thiện đáng kể. Còn Tướng Ray Odierno, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Iraq hoan hỷ cho rằng đây là "thiệt hại đáng kể nhất với Al Qaeda ở Iraq".

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở quốc gia Trung Cận Đông này, dư luận vẫn lo ngại về một làn sóng bạo động mới. Còn nhớ, sau cái chết của Abu Mussab a-Zarqawi, một thủ lĩnh của Al Qaeda ở Iraq (năm 2006), các vụ tấn công liều chết đã diễn ra với cường độ dày đặc, thậm chí còn táo tợn hơn trước, gây hoang mang cho dân chúng. Do đó, đòn trả đũa của Al Qaeda sau cái chết của hai thủ lĩnh hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong một diễn biến mới, ngày 20-4, năm thành viên gia đình, gồm vợ, con gái và ba con trai của vị chỉ huy lực lượng dân quân Al-Sahwa chống Al Qaeda ở Tarmiya, phía Bắc thủ đô Baghdad, đã bị sát hại dã man. Trước đó, hồi đầu tháng 4, giới chức Iraq đã chặn đứng một âm mưu tấn công phá hủy các thánh đường của người Hồi giáo dòng Shiite ở miền Nam trong một kịch bản tương tự các cuộc tấn công ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Các thành viên Al Qaeda đã lên kế hoạch cướp một chiếc máy bay sau khi cất cánh khỏi sân bay Najaf và lao vào đền Imam Ali ở thành phố Najaf hoặc các ngôi đền khác ở thành phố Karbala. Báo chí phương Tây cho rằng, việc tiêu diệt thủ lĩnh của Al Qaeda chỉ có thể "lên dây cót" tinh thần các lực lượng Iraq và Mỹ, cuộc chiến chống khủng bố ở đây chưa thể kết thúc.

Trong khi đó, Iraq vẫn chưa bình yên, cựu Thủ tướng Ayad Allawi, chính khách Shiite nhận được sự ủng hộ của người Sunni, đã cảnh báo bạo lực sẽ bùng phát nếu thắng lợi của ông bị đảo ngược. Ủy ban Bầu cử Iraq cũng vừa ra lệnh kiểm lại phiếu bầu tại Baghdad và quyết định này được xem là thắng lợi của Thủ tướng Maliki, khi liên minh của ông chỉ về thứ hai với 89 ghế so với 91 ghế của ông Allawi. Cùng với đó, vấn nạn tham nhũng hoành hành tại quốc gia này đang tiếp tay cho các phần tử khủng bố dễ dàng trà trộn, lọt qua các cửa ải an ninh một cách dễ dàng. Vì vậy, cứ sau mỗi lần thủ đô Baghdad bị tấn công, nỗ lực hàng đầu của các quan chức Iraq là xác định xem lực lượng nào phải chịu trách nhiệm…

Trong lúc Mỹ đang chuẩn bị rút 45.000 binh sĩ khỏi nước này (hiện Mỹ có 95.000 lính ở Iraq) và đến cuối tháng 8-2010 sẽ để lại đây 50.000 quân đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh nước sở tại, thì bài toán an ninh cho Iraq vẫn còn là một câu hỏi còn để ngỏ. Không ai dám chắc lực lượng an ninh Iraq có thể kiểm soát được tình hình sau khi lính Mỹ rút.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An ninh cho Iraq: Câu hỏi còn để ngỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.