(HNM) - Sáng 27-6, tại di tích Nam Linh Sơn tự, thuộc Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn), UBND tỉnh An Giang tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt.
Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa bản địa hình thành và phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên gắn với sự tồn tại của Phù Nam - vương quốc thịnh trị có ảnh hưởng bao trùm cả vùng Nam Bộ và cả vùng Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Myanmar…
Tại Nam Bộ, di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng An Giang, di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, nhưng tập trung dày đặc và trải rộng từ cánh đồng Óc Eo đến phía đông núi Ba Thê, huyện Thoại Sơn, với diện tích khoảng 450ha. Từ năm 1944 đến nay, qua các đợt khảo sát, khai quật, nhiều di tích đã được phát hiện như Giồng Xoài, Giồng Cát, gò Óc Eo, gò Cây Thị, gò Út Trạnh, gò Cây Me… Nhiều hiện vật, di chỉ có giá trị của nền văn hóa Óc Eo đã được phát hiện và ghi nhận, rất phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, tiêu biểu, di tích Óc Eo - Ba Thê đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích quốc gia, gồm các cụm di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật hai bia đá và tượng Phật bốn tay; hai di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và gò Cây Thị. Đặc biệt, ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.