Sáng 17-10, Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do nước này tự chế.
Tên lửa Nirbhay là tên lửa hành trình dưới tốc độ âm thanh đầu tiên do Ấn Độ tự chế - Ảnh: India TV |
Tên lửa có tên Nirbhay, được phóng lúc 10h sáng từ trung tâm phóng tên lửa ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ. Đây là tên lửa hành trình dưới tốc độ âm thanh đầu tiên của nước này do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) chế tạo.
Các nguồn tin quân đội cho biết nó có khả năng bay thấp chỉ ngang ngọn cây, do đó radar không thể phát hiện được.
Nó có thể rơi trúng mục tiêu ở cách xa hơn 700km, và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Một quan chức cấp cao của DRDO cho India TV biết khi đã hoàn thiện, Nirbhay có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 1.000 km.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Ấn Độ đã từng phóng thử tên lửa này nhưng không thành công.
* Cũng trong sáng nay 17-10 (theo giờ Việt Nam), Argentina đã phóng thành công vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên do nước này chế tạo.
Arsat-1 là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên do Argentina tự chế - Ảnh: Telam |
Theo AP, vệ tinh Arsat-1 được thiết kế phục vụ trong 15 năm, nhằm cung cấp dịch vụ điện thoại IP, truyền hình số, Internet và truyền dữ liệu cho Argentina và các nước láng giềng Chile, Paraguay và Uruguay.
Arsat-1 được một đội ngũ khoảng 500 nhà khoa học tham gia chế tạo trong vòng 7 năm, với chi phí 250 triệu USD. Nó cũng là vệ tinh đầu tiên do một nước Mỹ Latin tự chế.
Tổng thống Argentina Cristina Fernández cho biết đến nay trên thế giới chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Israel, Ấn Độ, các nước thuộc Liên minh châu Âu và Argentina có khả năng chế tạo vệ tinh lớn như Arsat-1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.