(HNM) - Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục đưa ra cảnh báo về hậu quả từ sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng, lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là chọn ăn thực phẩm tái, sống, chế biến các món ăn từ côn trùng lạ… Tuy nhiên, những lời khuyên này bị không ít người bỏ ngoài tai.
Bệnh vào từ... miệng
Do thói quen ăn gỏi, sử dụng thực phẩm sống của một bộ phận người Việt, tỷ lệ các bệnh liên quan đến sán hiện ở mức khá cao. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương trung bình mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 ca bệnh do mắc các loại sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và sán não). Bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, việc mắc sán có thể khiến người bệnh mờ mắt, động kinh, giảm trí nhớ, co giật. Thậm chí, một số bệnh nhân mắc sán lá gan lớn còn bị tổn thương gan giống như người mắc bệnh ung thư gan. Điều đáng nói là bệnh nhân thường đến bệnh viện (BV) khá muộn, khi bệnh đã nặng, cơ hội cứu chữa giảm trông thấy. Có những trường hợp mắc sán tới 5-10 năm thì bệnh mới phát rõ ràng và bệnh nhân mới biết và đến viện để điều trị. Lúc ấy thì đã muộn, dù các bác sĩ có điều trị tích cực kéo dài thì bệnh tình cũng không dễ khỏi, sức khỏe bệnh nhân lâm vào tình trạng suy kiệt.
Tiết canh là món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh với người dùng. Ảnh: Bạch Dương |
Bệnh nhân nhiễm sán được điều trị ở nhiều nơi. Khoa Cấp cứu, BV các Bệnh Nhiệt đới trung ương mỗi năm tiếp nhận hàng chục ca bệnh do sán não, nguyên nhân do ăn tiết canh, thịt sống, rau sống… Mới đây, BV tiếp nhận một bệnh nhân 58 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhập viện trong tình trạng co giật, tri giác lơ mơ, được chẩn đoán bị sán não - loại sán có từ lợn. Theo người nhà kể, bệnh nhân thường có thói quen ăn tiết canh lợn. Một ngày, sau khi ăn tiết canh xong thì bệnh nhân phát bệnh, được chuyển từ BV tỉnh lên BV các Bệnh Nhiệt đới trung ương. Kết quả chụp cắt lớp sọ não cho thấy tính tổng cộng trong não của bệnh nhân có khoảng 50 ổ sán não làm tổ. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV cho biết, sán ở người là loại bệnh mà khá nhiều người Việt mắc phải nhưng lại ít được họ chú ý. Điều nguy hiểm là những bệnh nhân bị nang sán có thể tổn thương ở những ống dẫn lưu, gây tắc - giãn não thất, làm ứ nước trong não. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị có thể giúp bệnh nhân khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra. Tuy nhiên, nếu để bệnh quá lâu mà không được điều trị, sán có thể tới trú ngụ ở vùng mắt, gây mù, vào trong não và gây tình trạng phù não, co giật, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài số mắc bệnh do ăn thức ăn tái, sống, trong thời gian qua, tại một số địa phương đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc do sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng làm thức ăn. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến ngộ độc, ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, những loài côn trùng sống dưới đất thường bị các loài ký sinh trùng, nấm độc bám vào, nên rất nguy hiểm. Khi ăn phải loại nấm này, bệnh nhân thường có các biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nếu bị nặng sẽ dẫn đến hôn mê sâu. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo lượng độc tố có trong côn trùng, tổng lượng độc tố đã ăn vào và tùy vào cơ địa của người ăn (người già, người có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng hơn). Trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng, các dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở người bệnh là buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng thì nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sần ngứa, phát ban dạng mảng ở toàn thân, có thể dẫn tới tử vong.
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Gần đây có một số vụ ngộ độc điển hình do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm: Một vụ xảy ra vào năm 2012, tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, làm 15 người bị ngộ độc phải nhập viện; một vụ xảy ra trong năm 2014, tại huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, khiến 3 người phải đi cấp cứu và 1 người tử vong. Ngay trong tháng 6 vừa qua, tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có 29 người đã phải nhập viện, trong đó có 1 người tử vong, do ăn bọ xít đen chiên mỡ. Cùng thời điểm này, tại tỉnh Bình Phước, có 3 người phải nhập viện sau khi uống rượu với mồi nhậu là hơn chục nhộng ve sầu chiên, một trong số đó đã tử vong do nhiễm độc quá nặng... |
Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Do thiếu kiến thức, nhiều người sử dụng các loài động thực vật lạ chỉ vì tin vào lời đồn thổi về công dụng chữa bệnh. Gần đây, trường hợp hai bệnh nhân ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) nhập viện với triệu chứng hôn mê sâu do ăn ốc sên sống là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người thích ăn món lạ.
Hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh ốc sên có tác dụng như một loại thuốc bổ khớp cũng như làm tăng chất nhờn ở khớp. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, trên thực tế đã có trường hợp trẻ bị viêm màng não do nướng ốc sên ăn, có trường hợp chỉ cầm ốc sên chơi mà cũng bị nhiễm ký sinh trùng. "Ốc sên thường bò dưới đất và nhiễm ký sinh trùng. Loại ký sinh trùng này vào con vật thì không sao, nhưng khi vào cơ thể người thì chúng sẽ lên não, tấn công và làm tổn thương não. Sau khi điều trị, một số trường hợp chịu di chứng lâu dài", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
Theo ông Lâm Quốc Hùng, hiện nay, khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về sử dụng côn trùng trong chế biến món ăn, người dân không nên "thử nghiệm" các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác thường để chế biến thức ăn; chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến. Tuy nhiên, việc sơ chế, chế biến côn trùng phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái… Trường hợp sau khi ăn mà có các triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Cuối cùng, cần nhớ rằng cách tốt nhất để tránh rước bệnh vào thân là ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.