Gọi là “nghề” cho oai chứ thực ra đó chẳng phải là một nghề. Song, dù sao cũng một thời những công việc ấy đã giúp cho bao người có được miếng cơm manh áo. Lớp trẻ lớn lên sau những năm 80 thế kỷ trước hẳn sẽ chun mũi, nhăn mặt khi nghe ai đó kể rằng “ngày xưa...” và thốt lên “lại ngày xưa”. Thực ra thì ngày xưa ấy chưa lâu, mới vài ba chục năm về trước...
Lớp trẻ lớn lên sau những năm 80 thế kỷ trước hẳn sẽ chun mũi, nhăn mặt khi nghe aiđó kể rằng “ngày xưa...” và thốt lên “lại ngày xưa”. Thực ra thì ngày xưa ấy chưa lâu, mới vài ba chục năm về trước, khi lũ trẻ chúng tôi ngày ấy săm soi từng đường kim, mũi chỉ của miếng quần vừa được “píc kê” (quần bị rách được vá bằng máy khâu) ra chiều hoan hỉ lắm, hay lặng lẽ mân mê vết dép nhựa Tiền Phong mới đượchàn. Đấy, hai trong số vô vàn “nghề” của thời bao cấp vừa nhắc đến hẳn những người trẻ tuổi bây giờ chẳng bao giờ còn biết (hoặc phải biết) nữa.
Nói đến “píc kê” chắc bất kỳ ai bây giờ ở tuổi “tứ tuần” đều qua một đôi lần mặc áo hoặc quần vá theo lối ấy. Tiêu điểm miếng vá là đầu gối, mông quần - những nơi hay bị rách nhất. Để chiếc quần có thể sử dụng được sau những năm tháng bị mài mòn, sờn, rách, người thợ may dùng một miếng vải vừa với khuôn khổ viếng vá, áp vào mặt trong, sau đó vá lại. Đường chỉ có thể theo hình vuông, chữ nhật, hình tròn hoặc hình quả trứng theo yêu cầu của khách. Muốn miếng vá được phẳng, đẹp, mũi kim phải bắt đầu từ tâm miếng vá vòng rộng dần ra ngoài đến khi trùm hết diện tích mảnh vải kê vá thì thôi. Tùy theo diện tích rộng, hẹp miếng vá có thể là năm đường, mười đường chỉ hoặc nhiều hơn từ trong ra ngoài. Giá cả cũng theo kích thước to, nhỏ ấy mà tính, nămhào hay một đồng... Thường thường, những chiếc quần, áo đã qua píc kê chắc chắn sẽ rách nát trước khi miếng vá bị hỏng. Khi không còn mặc được nữa phải vứt đi, người ta tận dụng miếng píc kê làm miếng lót tay lúc nấu bếp rất tốt bởi độ dầy của hai lần vải.
Cùng “dòng” với nghề píc kê là một loạt những nghề khác liên quan tới áo quần và đều nhằm kéo dài “tuổi thọ” cho áo quần là: lộn cổ, lộn cổ tay áo, thay thân quần sau ra trước.
Hàn dép cũng là một “nghề” đặc trưng của thời ấy mà bây giờ không còn nữa. Thay vào đó là vá giầy, khâu giày, dán giầy - những vật dụng cao cấp hơn - đã trở nên phổ biến với mọi đối tượng trong xã hội. Người Hà Nộithời bao cấp hẳn không thể quên hình ảnh những người làm nghề dán dép ở các ngã ba, ngã tư hay góc phố, đặc biệt là khu vực ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ), trước Bách hóa số 5 Nam Bộ (đường Lê Duẩn). Đồ nghềgồm một lò than, một ít dép nhựa hỏng các màu, vài mảnh thép làm que hàn - đó là toàn bộ đồ nghề của người hàn dép thuở ấy. Mỏ hàn là mảnh thép mỏng làm từ nẹp thùng hàng được gia công thêm phần cán gỗ hoặc quấn giẻ. Khi hàn, miếng thép được đặt trên bếp than sao cho vừa đủ nóng để làm chảy nhựa bởi nếu nóng quá có thể làm thủng miếng vá. Người thợ hàn dép ước lượng độ to, nhỏ nơi cần vá để cắt nhựa cho chuẩn, sau đó áp miếng nhựa vào vị trí, giữ cho các mép phẳng đều. Mỏ hàn được đưa từ ngoài vào giữa hai miếng nhựa, ngón cái và ngón trỏ ép chặt hai miếng nhựa vào để nhựa bị nung chảy.Bàn tay cầm mỏ hàn nhanh nhẹn vừa rút vừa miết trên mặt theo chiều dài miếng vá. Khi mỏ hàn ra hết cần nhanh tay bóp chặt hai miếng nhựa vào nhau để nhựa bám thành một khối. Sau đó kiểm tra lại miếng vá, chỗ nào hai mặt chưa “ăn” nhau phải hàn tiếp. Nói chung đây là việc đơn giản, ai cũng làm được. Tuy vậy, khách hàng vẫn có thể đánh giá chính xác “tay nghề” và “đẳng cấp” của người thợ qua chất lượng miếng vá. Người thợ “lành nghề” miếng vá đẹp, ngay ngắn các mép kín, độ bền lâu. Người mới làm, miếng vá xộc xệch, hay có ba via, các mép không kín, dễ bị bong, đứt..
Ngoài hai “nghề” trên thời ấy còn nhiều “nghề” mà bây giờ và mãi về sau này chắc chẳng còn ai nhắc đến nữa như “nghề” bơm mực bút bi(ngày ấy gọi là bút “nguyên tử”), nghề làm dép lốp, nghề khắc chữ vào bút máy...
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.