(HNM) - Cuối tháng 6-2010, từ Quân cảng Cam Ranh - Khánh Hòa, tàu HQ 996 nhổ neo, nhằm hướng Trường Sa, đưa đoàn thân nhân đến với những người chồng, người con, người em đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng hải đảo thân yêu của Tổ quốc...
Niềm vui gặp mặt của vợ chồng người lính đảo. |
Tất cả vì các anh
Những ngày này, trời miền Trung như rắc lửa trên những nẻo đường hướng về nhà khách Vùng D Hải quân, bên Bãi Dài, vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa. Chuông điện thoại để bàn, điện thoại cầm tay của CBCS đoàn công tác đổ liên hồi.
- A lô! Anh Hường dân vận phải không?
- A lô! Tôi là Thành ở Hà Nội, tôi vào thăm con là chiến sỹ Bùi Xuân Thưởng...
- Tôi là Chức, ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi thăm con là Trần Minh Hậu...
Trong các ngày 17, 18, 19 tháng 6-2010, Trung tá Hoàng Xuân Hường, Trưởng ban Dân vận Vùng D Hải quân; Thiếu tá Đoàn Huy Toàn; Thiếu tá Nguyễn Đức Thu, Trợ lý Dân vận Đoàn M46 và hàng chục CBCS luôn tất bật lo đón tiếp các ông bố, bà mẹ, người vợ... từ mọi miền đất nước đi thăm chồng, con, em đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Mỗi ngày, đoàn công tác điều động hàng chục lượt xe ô tô đến ga tàu, bến xe, sân bay Nha Trang... đón những người khách đặc biệt về nghỉ tạm tại nhà khách Vùng D, đưa họ đi mua sắm "quà đất mẹ" cho lính đảo.
Tại chợ thị trấn Mỹ Ca, bất chợt chúng tôi gặp một nhóm 5-6 người gồm cả phụ nữ và đàn ông, ai nấy đều tay xách, nách mang vừa đi vừa trò chuyện rôm rả.
- Tôi mua thêm năm cân cam, hai mươi chai nước khoáng...
- Tôi mua mười chiếc sim Viettel, nghe nói ngoài đảo chỉ có Viettel là gọi được...
- Cô mua làm gì mà nhiều gà thế, trên đảo có thiếu thực phẩm đâu?...
- Em cũng biết vậy, nhưng em mua cho cả bạn bè, đồng đội của cháu nữa. Vả lại, nhà có ba mẹ con, cháu gái lấy chồng, biết em ra đảo, vợ chồng đứa con gái "giúi" cho mấy triệu, bảo "để mẹ mua quà cho cậu út". Người phụ nữ vừa bộc bạch là Trần Thị Tươi, quê ở Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình, ra thăm con là Bùi Hồng Tiến, quân nhân chuyên nghiệp ở đảo Trường Sa Lớn.
Trên hành lang nhà khách Vùng D, một người đàn ông tóc muối tiêu đang cặm cụi chằng buộc lại mấy hộp các tông, chưa kịp hỏi, ông đã "khoe": Tôi ở Hà Nội, ra thăm con chẳng có gì làm quà. Ngày ở nhà, cháu rất thích nước rau muống luộc dầm sấu, vì vậy trước khi vào đây bà xã tìm mua bằng được mấy cân sấu tươi, "bắt" phải mang ra cho cháu và đồng đội ăn cho đỡ nhớ nhà, đỡ nhớ Hà Nội...
- Mấy cân mà sao chú đựng vào hộp to đến thế? - Phóng viên trẻ Hoàng Hà, Báo Quân đội nhân dân hỏi vui.
- Có phải mấy cân đâu, tất cả là 60 cân! Nhưng "bà" nhà tôi chỉ mua chục cân, còn các bà, các cô trong khu tập thể nơi tôi ở, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, mỗi người gửi dăm bảy cân, "làm quà tặng bộ đội Trường Sa" nên tôi không thể không nhận...
Qua câu chuyện với ông bố mang 60kg sấu ra Trường Sa, chúng tôi được biết ông là Đỗ Huy Du, nguyên Đại đội trưởng tăng thiết giáp trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, hiện là phó giáo sư, tiến sỹ tại một cơ sở đào tạo lớn ở Hà Nội. Gia đình ông có hai con, con gái đang học đại học, "cậu cả" là Đỗ Anh Tuấn, sinh năm 1983, tốt nghiệp THPT, Tuấn làm đơn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Lần ra đảo này là "tăng" thứ ba của Tuấn, hiện anh là trung úy chuyên nghiệp, công tác tại đảo Trường Sa Lớn.
- Ra thăm cán bộ, chiến sỹ tại quần đảo Trường Sa lần này có 23 người bố, 4 người mẹ, 20 người vợ và 3 người anh trai. Cùng với mong muốn được trực tiếp động viên chồng, con... ngày đêm canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người đều mang theo khá nhiều quà "cây nhà lá vườn"... Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Vùng D Hải quân, Trưởng đoàn công tác cho biết. Chấp hành chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về việc tổ chức đưa thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, lãnh đạo Vùng D Hải quân, Đoàn M46 đã họp bàn, xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng công việc nhỏ nhất. Cách đây vài tháng, bộ phận chức năng đã soạn thảo thư mời, lập sơ đồ hướng dẫn đường đi lối lại, cách thức thực hiện, gửi đến nơi cư trú để các thân nhân tập kết đúng ngày giờ, địa điểm...
CBCS nhà khách Vùng D giúp các thân nhân chuyển quà. Ảnh: Duy Mười |
Về phần mình, để đến được với cán bộ, chiến sỹ và bà con cô bác Trường Sa, tôi đã phải rất cố gắng, vì trước ngày có mặt theo quy định, tôi còn phải hoàn thành công việc đã hứa với Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, tại Quảng Trị - chiến trường của đơn vị chúng tôi hồi "Mùa hè đỏ lửa" 1972. Hơn 10 giờ đêm 17-6, tôi "một mình, một... tắc xi" vượt gần 200km từ Đông Hà vào Đà Nẵng cho kịp chuyến bay Đà Nẵng - Nha Trang vào sáng sớm hôm sau. Với tôi, chuyến hải hành này không kém phần háo hức và thiêng liêng như đường ra trận năm xưa...
Dạt dào nơi đầu sóng
17h3 ngày 20-6-2010, tàu HQ 996 nhổ neo, kéo ba hồi còi dài, chào đất liền rồi rẽ sóng nhằm hướng Trường Sa. Trên mạn tàu, hàng chục con tim đang rạo rực chờ mong ngày đoàn tụ. Một đêm… rồi hai đêm đi qua. Ngày thứ ba của hành trình, khi ánh bình minh vừa bừng sáng nơi đường chỉ mỏng mảnh phân cách biển - trời, nhiều người đã lên boong tàu dõi mắt về phía xa xa, tìm kiếm bóng hình dải đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi ấy có những người con, người em, người chồng đang hồi hộp đón chờ phút giây gặp mặt.
Kia rồi, Trường Sa Lớn hiện dần như chiếc nấm khổng lồ giữa sắc màu xanh thẳm của biển trời. Trên cầu cảng, hàng chục cán bộ, chiến sỹ đội ngũ chỉnh tề chào đón các thân nhân và đoàn công tác. Tàu cập bến, tiếng vỗ tay rộn rã, tiếng chào hỏi, tiếng nói cười vang vọng. Có cả những nụ hôn nồng nàn.
Đón những người thân của cán bộ, chiến sỹ ra thăm Trường Sa Lớn, Trung tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên đảo xúc động nói: Từ nhiều ngày qua, quân dân trên đảo đã mong đợi ngày hôm nay, ngày mà những người cha, người mẹ, người vợ, người anh của cán bộ, chiến sỹ từ đất liền ra thăm đảo. Điều mong đợi ấy giờ đây đã trở thành hiện thực. Hậu phương đã mang đến Trường Sa một sức mạnh mới, ý chí quyết tâm mới, góp phần giúp quân dân trên đảo luôn trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tại Trường Sa Lớn, cùng với việc động viên cán bộ, chiến sỹ tổ chức đón tiếp thân nhân chu đáo, Trưởng đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Đức Vượng; Phó Trưởng đoàn công tác, Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Lữ đoàn phó quân sự Đoàn M46 đều căn dặn anh em đơn vị "vui ngày gặp mặt, nhưng không quên nhiệm vụ...".
Trong buổi liên hoan văn nghệ bên cột mốc chủ quyền quốc gia, chúng tôi có dịp gặp lại hầu hết những ông bố, bà mẹ, người vợ, người anh lên thăm chồng, con, em tại Trường Sa Lớn. Ai nấy đều hân hoan: "Vui quá, phấn khởi quá! Ở đảo mà xanh, sạch, đẹp như công viên...". Mấy cô vợ lính đảo tíu tít: "Chúng em được bố trí mỗi người một phòng tại Nhà khách Thủ đô, vừa thoáng đãng, vừa đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì ở khách sạn. Anh nhà báo về Hà Nội nhớ cho chúng em gửi lời cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhé"...
Đúng 21 giờ ngày 22-6, tàu HQ 996 lại nhổ neo, tạm biệt Trường Sa Lớn, đưa những người thân của lính đảo tiếp tục cuộc hành trình đến với cán bộ, chiến sỹ các đảo Đá Lát, Núi Le, An Bang, Thuyền Chài, Đá Đông, Trường Sa Đông và Đá Tây.
Chiều 24-6, tàu thả neo trước đảo Núi Le, đưa chị Nguyễn Thị Vân Lanh, thân nhân duy nhất lên đảo thăm chồng là Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Quang. Lanh vẫn say "lử đử" từ lúc lên tàu, vậy mà khi nhìn thấy từ phía xa mấy cán bộ, chiến sỹ mặc áo phao ra đón, mắt Lanh bừng sáng: "Trong số các anh bộ đội kia thế nào cũng có anh Quang nhà em"...
Đảo Núi Le có thềm san hô dài, rộng, vì thủy triều xuống thấp nên chiếc xuồng chuyển tải dù được 7-8 chiến sỹ ra sức kéo, nhưng vẫn phải dừng cách tòa nhà trên đảo khoảng 2.000m. Chúng tôi còn đang "đoán già, đoán non" ai là chồng của Lanh thì một chàng trai nước da sạm nắng, đôi mắt sáng, vội băng lên phía trước, xỏ cho Lanh đôi giày vải bộ đội và bế xốc cô lên, đi phăm phăm trên thềm san hô còn ngập nước. Khuôn mặt hai vợ chồng tràn đầy hạnh phúc dưới ánh nắng chiều trên biển Đông. Có lẽ không một đạo diễn nào có thể dựng lên khung cảnh chân thật và sinh động đến vậy. Nhiều phóng viên phải cố vượt lên mới kịp ghi lại khoảnh khắc quý giá đó...
Thăm đảo Thuyền Chài, duy nhất có ông bố vợ của Trung úy chuyên nghiệp Vũ Thanh Nam. Sẵn "bệnh nghề nghiệp", khi nhìn bảng danh sách thân nhân, tôi nửa tin, nửa nghĩ rằng văn thư đánh máy nhầm, nên vội hỏi Đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng phòng Dân vận Quân chủng Hải quân, thành viên đoàn công tác. Đồng chí cán bộ dân vận hóm hỉnh: Bố vợ vượt hàng ngàn cây số để thăm con rể mới quý hiếm chứ. Nhà báo muốn tìm hiểu cứ hỏi "ông nhạc", là rõ liền...
Hỏi chuyện "ông nhạc" Đàm Văn Đáng, 60 tuổi, quê Quảng Xương - Thanh Hóa, chúng tôi chỉ nhận được nụ cười hiền và lời giãi bày: "Bố mẹ đẻ cháu Nam bị ốm, vợ nó phải trông cháu nhỏ, tôi đi thăm Nam cũng như bố mẹ đẻ và vợ con của Nam ra thăm"...
Quả nhiên, khi chiếc xuồng chuyển tải đưa đoàn công tác và thân nhân duy nhất lên thăm đảo Thuyền Chài, cùng với cán bộ, chiến sỹ trên đảo, Trung úy Vũ Thanh Nam nét mặt tươi rói ra tận mép nước bên tòa nhà ban chỉ huy đón bố vợ. Sau cái bắt tay thật chặt, mấy lời hỏi thăm sức khỏe, chúng tôi thấy cả hai cha con cùng đưa tay lau vội những giọt nước mắt đang lăn trên gò má một già, một trẻ...
Đến các đảo Đá Lát, Đá Đông, Trường Sa Đông... chúng tôi luôn phải kìm nén xúc cảm khi được chứng kiến những giây phút thật cảm động khi những người cha, người mẹ, người anh, người vợ ôm chặt người thân của mình vào lòng, rơm rớm nước mắt trong ngày gặp mặt.
Hậu phương đã mang đến một sức mạnh mới, một ý chí quyết tâm mới cho Trường Sa - tuyến đầu của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.