(HNM) - Hà Nội những đêm mùa đông cuối năm càng lạnh. Rét mướt, mưa gió khiến bao người chẳng còn động lực nào mà bước chân ra đường. Vậy nhưng, hằng đêm hàng trăm công nhân vẫn dầm mình trong nước lạnh làm nhiệm vụ nạo vét, cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm.
Công nhân dầm mình trong nước lạnh để nạo vét bùn hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Hoạt |
Công việc nhiều ý nghĩa
Chưa đến 20h, dọc tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, nơi Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang tiến hành nạo vét hồ Hoàn Kiếm, các rào chắn, biển báo phân luồng giao thông được dựng lên ngay ngắn. Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 Nguyễn Ngọc Cương cho biết, trung bình mỗi đêm có khoảng 150-200 công nhân của nhiều đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội làm việc. Dù thuộc nhiều đơn vị khác nhau như Xí nghiệp Cơ giới, các Xí nghiệp Thoát nước, nhưng đến nay mọi thao tác đều thuần thục, nhịp nhàng.
Nhìn vào không khí làm việc khẩn trương, chúng tôi cảm nhận được sự cẩn thận, trách nhiệm. Phía dưới các điểm đỗ xe chuyên dụng chở bùn ở lòng đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ đều được lót một lớp bạt nhằm hạn chế bùn, đất rơi vãi ra ngoài. Vỉa hè nơi các xe ô tô chuyên dụng di chuyển được rải những tấm thép dày, tại vị trí đặt thùng chứa bùn, đều được lót bằng những lốp ô tô to. Khu vực được nạo vét thủ công được quây bạt, không ảnh hưởng đến người đi bộ.
“Quan điểm của lãnh đạo công ty đặt ra là tuyệt đối an toàn, không gây ảnh hưởng tới bất kỳ một viên gạch, một mép kè hồ nào; làm đến đâu, sạch tới đó”, ông Nguyễn Ngọc Cương nói.
Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1, chia sẻ: “Những ngày đầu vất vả lắm, vì với hồ Hoàn Kiếm không thể sử dụng máy móc ồ ạt; trong phạm vi cách 7m tính từ bờ hồ được sử dụng biện pháp thủ công, ngoài phạm vi đó mới dùng đến cơ giới. Từ tháng 12-2017, tiết trời chuyển rét đậm, đứng trên bờ còn run, nên thương anh em nam công nhân nhiều hơn. Họ phải dầm mình trong nước để múc bùn. Dù được bảo hộ là quần áo cao su, nhưng sức ép của nước khiến bộ quần áo dán chặt vào cơ thể, rất lạnh... Chúng tôi xác định, phải hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất, vì công việc này không đơn thuần là cải tạo môi trường nước hồ, mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng là gìn giữ, bảo vệ một biểu tượng của Thủ đô và cả nước”.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, lái xe của Xí nghiệp Thoát nước số 3 thì chia sẻ câu chuyện khác, đó là sự hỗ trợ lớn từ “hậu phương”. Khi nhận nhiệm vụ chuyên chở xe bùn hằng đêm từ hồ Hoàn Kiếm về bãi đổ tại Yên Sở (quận Hoàng Mai), giờ giấc sinh hoạt gia đình thay đổi, nhưng vợ anh luôn động viên, chăm lo 2 con để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Thắng tâm sự: “Ban lãnh đạo công ty, xí nghiệp ngày nào cũng có mặt, động viên anh em kịp thời, giữa đêm có thời gian nghỉ ngơi, phục vụ bữa ăn nhẹ. Hơn nữa, với những người làm đêm trước sẽ được nghỉ bù vào sáng hôm sau, nên anh em công nhân rất yên tâm. Mọi người đều dốc sức, dốc lòng cho công việc chung”.
Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ
Đó là điều được ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẳng định. Chỉ về phía máy xúc đang đánh bùn từ xa về gần điểm trung chuyển, ông Võ Tiến Hùng cho biết: “Đến nay, sau 1 tháng 4 ngày, phương tiện cơ giới mới được đưa lại gần bờ vì kè hồ đã bảo đảm chắc chắn. Phải đánh bùn vì khu vực đó mới có lối đưa ô tô thùng vào chuyên chở, tuy vất vả, mất công, nhưng như thế sẽ không làm ảnh hưởng tới thảm cỏ, cây xanh. Với những đoạn khó như cây xõa, nghiêng xuống nước thì vẫn phải làm bằng thủ công. Chúng tôi yêu cầu tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến bất kỳ một cành cây, viên đá nào ở hồ”.
Đến nay công việc nạo vét lòng hồ diễn ra theo đúng tiến độ. Giai đoạn 1 của dự án (chiếm hơn 60% khối lượng công việc) sắp hoàn thành, còn hơn 1 tháng nữa (ngày 7-2-2018) là đến mốc thời gian đặt ra nên cán bộ, công nhân làm nhiệm vụ ở đây chỉ mong máy móc, thiết bị vận hành trơn tru để công việc diễn ra theo đúng tiến độ.
Nói về chất lượng thi công, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 Nguyễn Ngọc Cương chia sẻ thêm, trước khi tiến hành nạo vét, công ty đã mời các nhà khoa học cùng làm việc để bảo đảm cho việc giữ lại hệ thủy sinh, màu đặc hữu của hồ. Đối với màu nước hồ, do màu của tảo lục tạo nên màu xanh, công ty đã lưu giữ nguồn gen để sau khi thi công sẽ cấy trả lại màu xanh cho nước hồ. Quá trình thi công mực nước hồ được giữ nguyên. Biện pháp thi công là sử dụng dây chuyền, gồm máy xúc đặt trên ponton, xúc bùn lên phễu chứa và dùng máy bơm công suất 40-60m3/giờ bơm lên xe stec qua hệ thống ống dẫn nằm trên hệ phao nổi. Hồ lâu rồi không được nạo vét, nên lượng bùn lắng đọng rất lớn. Khó nhất vẫn là làm ở đoạn gần bờ vì có nhiều dị vật có thể gây thương tích. Trung bình mỗi đêm, các đơn vị vận chuyển được khối lượng khoảng 1.500m3 bùn, đất.
Lòng hồ được chia thành 3 vùng thi công, có căng lưới để bảo vệ hệ thủy sinh trong hồ. Việc thi công dứt điểm từng vùng, được tiến hành từ 23h hôm trước đến 5h hôm sau trong các ngày từ thứ hai đến thứ năm. Riêng thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật thi công từ 0h đến 5h. Quá trình thi công, các đơn vị đều có kiểm tra chéo nhau, đồng thời đơn vị giám sát rà soát, chỗ nào còn sót là xử lý ngay...
4h30 sáng, phố phường bắt đầu có người đi tập thể dục cũng là lúc toàn bộ máy móc thiết bị ngừng hoạt động. Các tấm thép dày, lốp ô tô hỏng, vải bạt trải trên hè, lòng đường được thu dọn, di chuyển. Xe nước sạch rửa đường tiếp quản, phun rửa tất cả các vị trí thi công, bảo đảm khi ánh bình minh ló rạng, các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm lại sạch bóng như không có bất kỳ hoạt động nạo vét bùn nào diễn ra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.