(HNM) - Hy Lạp vừa lên tiếng bác bỏ thông tin đang gây ầm ĩ dư luận về việc Athens sẽ cần đến gói cứu trợ thứ ba để thoát cơn vỡ nợ. Trong khi đó đại diện nhóm bộ ba chủ nợ gồm: Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB)
Trong khi đó đại diện nhóm bộ ba chủ nợ gồm: Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang phải làm việc thâu đêm suốt sáng tại Hy Lạp để quyết định liệu xứ sở Thần thoại có đủ điều kiện để được giải ngân 31 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro hay không.
Nợ cũ chưa xong, nợ mới sầm sập đến, dù Athens có nói gì thì cũng khó xua tan những đồn đoán đang xôn xao khắp các thị trường. Đơn giản vì thực tế thời gian qua cho thấy, mỗi khi một quốc gia Châu Âu lên tiếng phủ nhận phải nhận trợ giúp thì chẳng bao lâu sau sẽ nằm trong danh sách nhận cứu viện của Châu Âu.
Lịch sử cũng có thể không lặp lại, không phải vì tình hình Hy Lạp đã khá hơn mà bởi lẽ nguồn tài chính của Lục địa già không phải là vô tận. Cách đây không lâu, Đức và Hà Lan, hai quốc gia có "cổ phần" rất lớn trong các quỹ cứu trợ Châu Âu đã thẳng thừng từ chối việc tung cho quốc gia bên bờ Địa Trung Hải chiếc phao cứu sinh thứ ba. Kể từ khi reo rắc mầm bệnh nợ công tại Cựu lục địa, Hy Lạp đã hai lần được tiếp sức gồm 110 tỷ euro hồi tháng 5-2010 và 130 tỷ euro vào tháng 10-2011. Do đó, có lý do để hiểu được tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble mới đây rằng chi phí dành cho Athens đã quá cao và Châu Âu không thể có một chương trình mới cho đất nước của các vị thần. Bên cạnh việc chia sẻ tài chính, mục tiêu cốt lõi của các kế hoạch trợ giúp tài chính là để quốc gia nhận hỗ trợ sửa chữa những lỗ hổng về chính sách, bằng mọi cách giảm thâm hụt nhằm tái cân bằng cán cân thu chi. Vì vậy, điều kiện đi kèm với những khoản cứu trợ khổng lồ luôn là phải "thắt lưng buộc bụng". Cho đến thời điểm hiện nay, dù Hy Lạp đang phải vật vã trong các kế hoạch chi tiêu kham khổ, nhưng với Châu Âu như vậy là chưa đủ. Những chủ nợ nghiêm khắc tin rằng, không thể bơm thêm tiền cho Athens vì như vậy chẳng khác nào gửi đi thông điệp đừng cải cách.
Công bằng mà nói, không phải Chính phủ Hy Lạp trễ nải trong các biện pháp tài chính chặt chẽ nhằm thoát khỏi tình cảnh nợ nần. Athens cũng chẳng sung sướng gì khi phải ban hành những chính sách làm nản lòng dân chúng, từ sa thải nhân công, cắt giảm lương hưu, giảm chi phí các chương trình an sinh xã hội đến tăng nhiều loại thuế. Chương trình giảm chi 11,5 tỷ euro trong hai năm tới của chính phủ Thủ tướng Antonis Samaras cũng đang làm lửa giận dữ bùng cháy khắp nơi. Thế nhưng, một nền kinh tế vốn đã không nhiều thực lực nhưng lại được "nuông chiều" thái quá trong một thời gian dài nên không thể nhanh chóng hồi phục. Cho dù đã "kiêng khem" hết mức, nhưng trên thực tế, quốc gia bên bờ Địa Trung Hải mới chỉ thực hiện được 22% mục tiêu cắt giảm chi tiêu công như cam kết để nhận khoản giải ngân tiếp theo trong khuôn khổ gói cứu trợ thứ hai.
Về nguyên tắc, Athens hoàn toàn có thể bị từ chối cung cấp tài chính do sự thất hứa này. Như thế đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ hết tiền và sụp đổ, kéo theo một loạt vấn đề, đẩy Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vào tan vỡ. Vì lẽ đó, sau cuộc gặp với Thủ tướng Samaras, IMF và Pháp đã chấp nhận nới lỏng các yêu cầu, lùi thời hạn thực thi giảm ngân sách và cải cách kinh tế cho xứ sở Thần thoại. Sự nhượng bộ này không mang đến nhiều bất ngờ vì hoàn toàn phù hợp với sách lược của Châu Âu hiện nay là: "Thà cho Athens thêm thời gian còn hơn phải cho thêm… tiền".
Hy Lạp phải ở lại Eurozone. Châu Âu đã, đang và sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyết tâm này vì uy tín, danh dự và sự tồn vong của liên minh tiền tệ đầu tiên và lớn nhất thế giới. Chính nguyện vọng ấy cũng khiến tin đồn về nguy cơ đất nước của các vị thần sẽ có gói hỗ trợ bổ sung thứ ba loang đi nhanh chóng. Ngay cả Giám đốc điều hành IMF Thanos Catsambas cũng nhận định như đinh đóng cột là Athens sẽ phải xin cứu trợ lần ba. Thực hư ra sao phải chờ thời gian mới rõ. Thế nhưng, sự thật đang diễn ra hằng ngày tại khắp các thành phố của Hy Lạp là thất nghiệp tràn lan và mối đe dọa đói nghèo. Làn sóng người dân thành phố trốn đô thị bỏ về nông thôn trồng rau, bắt cá mang đến sự thành công vượt bậc cho các mô hình cộng đồng tự cung tự cấp không biết nên vui hay nên buồn. Song, ít nhất đó là những nét chấm phá cho thấy một bức toàn cảnh ảm đạm từ đất nước từng được xem là thiên đường du lịch của thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.