(HNM) - Mỗi khi năm cũ qua đi, năm mới sắp đến, người già không nơi nương tựa thường cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nhưng với những nghệ sĩ cải lương lão thành đang cùng sống chung dưới mái nhà Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh thì không lúc nào họ thấy đơn côi.
Chúng tôi nhận thấy rõ điều đó khi cùng đoàn thiện nguyện của Lotte Đất Việt Homeshopping đến thăm 20 nghệ sĩ cải lương lão thành vào một ngày cuối năm Quý Tỵ. Đón khách bằng giọng ca vẫn rất ngọt, nghệ sĩ Ngọc Đáng cười vui: "Năm nay tôi 85 tuổi và cũng ở ngôi nhà chung này 7 năm rồi. Ở đây vui lắm, tôi đã tăng được 7kg". Không chỉ với nghệ sĩ Ngọc Đáng, với mọi người ở viện dưỡng lão thì nơi đây thực sự là nơi ấm tình người. Như một cán bộ công tác tại đây thì các nghệ sĩ cải lương cả đời đi theo gánh hát, nay đây, mai đó. Cuối đời, không hiếm người cô đơn, không có con cháu, bà con thân thích, cuộc sống thiếu thốn nhiều bề. Nhưng được đón vào đây, sống cùng với đồng nghiệp, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn họ luôn lạc quan và đặc biệt rất yêu nghề. Và đó là điều quan trọng nhất đối với người già.
Mang niềm vui đến cho các lão nghệ sĩ, với những người làm từ thiện như cán bộ, nhân viên của Lotte Đất Việt Homeshopping, không chỉ là để "kính già, già để tuổi cho" mà còn là cơ hội giúp họ được gặp gỡ, giao lưu với những nghệ sĩ tên tuổi một thời. Trên khoảnh sân nhỏ, bên những chiếc ghế đá cũ, những mái đầu xanh kề mái đầu bạc, câu chuyện về nghề diễn dường như không thể dứt. Dù là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đã hằn nét thời gian; dù là giọt nước mắt long lanh nơi khóe mắt hằn dấu chân chim… cũng đều là niềm vui sướng khi thấy những cống hiến trong quá khứ được những người trẻ tuổi hôm nay trân trọng và ngưỡng mộ. Không chỉ có đóng góp tích cực cho nghệ thuật khi còn trẻ, giờ đây, họ vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật bằng những vai diễn cho sân khấu kịch và điện ảnh. Đóng phim, diễn kịch với các nghệ sĩ lão thành không phải để mưu sinh, mà để được sống dưới ánh đèn sân khấu, được "gặp gỡ" khán giả, những điều khiến họ đã hy sinh cả cuộc sống riêng.
Đến thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ, các tình nguyện viên còn thấu hiểu hơn những khó khăn của cơ sở có lẽ là duy nhất trên cả nước chuyên chăm lo cho nghệ sĩ già cô đơn này. Để được đón vào đây, họ cũng phải đạt một số "tiêu chuẩn" như phải có đóng góp tối thiểu cho nền nghệ thuật truyền thống 25 năm, không có nơi nương tựa và phải nghèo. Còn một "rào cản" nữa khiến cho không phải lão nghệ sĩ nghèo nào cũng được đón vào Viện dưỡng lão. Đó là phải có người ra đi thì mới được thế chỗ vì Viện dưỡng lão chỉ có một dãy nhà 2 tầng với hơn 20 phòng nhỏ. Nghe điều này, một thoáng ưu tư trên gương mặt của những vị khách vì họ hiểu khó khăn này cần phải có sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức thì mới giải quyết được. Nhưng, với chương trình từ thiện nhỏ bé của mình, họ cố gắng làm hết sức để mang lại niềm vui, tiếng cười cho các nghệ sĩ. Sau những câu chuyện đời, chuyện nghề, các nghệ sĩ còn được khám kiểm tra sức khỏe. Không khí Viện dưỡng lão dường như náo nhiệt hơn với phần trình diễn của các cầu thủ nhí của chương trình truyền hình thực tế "Lotte - cầu thủ tí hon". Nhìn các cậu bé nhảy múa, tâng bóng điêu luyện, các nghệ sĩ già dường như trẻ lại.
Bữa cơm trưa ngày hôm đó của các nghệ sĩ được cải thiện bằng chính sản phẩm của Lotte - món cơm gà truyền thống làm nên thương hiệu của nhãn hàng này. Ông Sohn Byung Sam, Tổng giám đốc Công ty Lotte Đất Việt Homeshopping chia sẻ, dù mới có mặt ở thị trường Việt Nam được 2 năm, nhưng công ty luôn không ngừng nỗ lực để sản phẩm của mình được người tiêu dùng Việt biết đến và tin dùng. Hoạt động từ thiện, như chuyến đến thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh này, cũng là một trong những hoạt động không thể thiếu trong chiến lược đồng hành cùng người dân Việt Nam của Lotte.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.