Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp Tết xa quê

Kiều Bích Hương| 10/02/2013 07:21

(HNM) - Tôi nghĩ, khi xa Tổ quốc là lúc ta hiểu rõ hơn về tình quê hương, tình đồng hương, dạng tình cảm có thể làm điểm tựa vững vàng cho người Việt xa xứ.

Du học sinh Việt Nam tại Pháp vui đón Tết.


Khi trao đổi về người Việt xa xứ nổi bật ở những điểm gì, chị Hồ Lan, người đã có 10 năm sống tại Australia nói với tôi một điều giản dị: “Đó là những gì khiến ta khác người xứ khác. Dù có làm gì thì cũng phải giữ cho được cốt cách của người Việt”.

Chuyện ấy tình cờ trở lại trong một cuộc nói chuyện tay ba giữa tôi - người đã ở Bỉ được 3 năm, với Hà - người vừa theo chồng sang Bỉ định cư được 3 tháng, và Huệ - khả năng 3 tháng nữa cũng sẽ sang đây ở hẳn. Đề tài là làm gì để hòa nhập và kiếm sống? Hà gợi ý Huệ, đơn giản và thực tế: “Tranh thủ học làm móng trước đi”. Tôi thoáng nghĩ “người Việt ở đây không chỉ làm móng và mở nhà hàng” dù thực tế là lao động trí óc khi xa xứ thường khó mưu sinh đúng nghề hơn người làm việc chân tay.

Tôi mãi không quên buổi tối đến nhà hàng của Benny. Bận nấu nướng nhưng anh vẫn hồ hởi chạy ra tận bàn, đưa cho tôi một tờ báo khá nổi tiếng của Bỉ, khổ lớn như báo Hà Nội mới hằng ngày, có dành 3 trang viết và đăng ảnh về một phụ nữ Việt cùng chồng con của cô. Benny nói: “Tôi nghĩ cô biết nhân vật này nên giữ lại tờ báo cho cô, cùng người Việt cả”. “Đúng, Benny ạ, tôi biết, cô ấy là E.P, bạn của một người bạn Việt khác của tôi ở Bỉ”. Hôm ấy, tôi cứ ngắm mãi ba trang báo lớn ấy, đặc biệt là những dòng về việc mở triển lãm giới thiệu các tác phẩm điêu khắc Việt Nam của chị ở Brussels. Ngày nào đưa con đi học ngang qua một lâu đài trong vùng, tôi cũng dừng lại trước khu vườn có những bức tượng đá trắng, màu đá Non Nước. Chị E.P từng kể với tôi rằng chị có nhiều việc phải qua lại lâu đài này, lần nào cũng thấy ấn tượng với màu đá ấy, nó gợi cho chị cảm hứng về một triển lãm điêu khắc Việt Nam tại Bỉ.

Màu đá Non Nước ở một lâu đài phương Tây, lại gần nhà mình, vui chứ. Nhưng còn vui hơn khi chính người Bỉ đã viết bài và cũng người Bỉ giữ lại tờ báo đó để tặng tôi. Benny chắc hẳn đã hiểu tôi tự hào về người Việt “của mình” như thế nào!
*
* *
Thử nhìn quanh mối quan hệ còn khá hạn hẹp của tôi với cộng đồng người Việt ở Châu Âu mà xem, cũng khá sinh động rồi. Người làm móng có, người làm công nhân giặt là có, người làm chủ nhà hàng có, người làm việc cho ngân hàng có, người giữ trẻ có, người mở phòng trưng bày nghệ thuật và lò luyện võ có, người dạy tiếng Việt cho người Bỉ cũng có. Và một công việc nghiễm nhiên được xã hội phương Tây coi là nghề và cần chế độ trợ cấp đặc biệt, đó là nghề làm mẹ. Nhưng làm bà mẹ Việt của những đứa trẻ lai còn gánh thêm sứ mệnh đặc biệt gì khác với những bà mẹ Bỉ? Thư, mẹ của ba bé gái lai Việt - Bỉ đáng yêu nhiều lần nói với tôi: “Con của em phải nói được tiếng Việt”. Mà cũng không chỉ có cô. Thúy, một người bạn Việt khác khi thấy cô con gái 4 tuổi véo von “mẹ ơi, cái bình bị té” bắt đầu lo lắng tìm lớp học tiếng Việt cho con, vì bà ngoại đã nói trước “mang cháu về đây chơi mà nó không nói được tiếng Việt thì biết tay tôi!”.

Sang đây được vài tháng, Vân - từng là giáo viên tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh đã được người bạn Việt kiều tình cờ gặp ở siêu thị nhờ dạy tiếng Việt cho con. Vậy là gom ngay được một lớp dăm ba đứa trẻ không sinh ra ở Việt Nam, giờ mới bắt đầu ê a đánh vần tiếng mẹ đẻ. Hồi mới sinh con trai đầu lòng, “mẹ chồng Tây” của chị Phượng đã đe: “Cháu tôi lớn lên và học hành ở đây, phải để nó học tiếng Hà Lan và tiếng Pháp, đừng bắt xen thêm tiếng Việt, sẽ rối”. Nghe lời mẹ chồng, suốt 7 năm qua con trai của chị Phượng không biết nói tiếng Việt. Đến khi quen Thư, được Thư khích lệ và động viên thì chị Phượng mới mạnh dạn cho con theo lớp Việt ngữ Hùng Vương ở Brussels. Giờ thì mẹ nói tiếng Việt giọng Nam nhưng con trai nói tiếng Việt giọng Bắc (vì cô giáo gốc Bắc), ngộ nghĩnh mà vui!

Không chỉ khuyến khích bạn bè đồng hương cho con cái học tiếng Việt, Thư còn thuyết phục chồng mình - Frank tranh thủ cắp sách theo học Việt ngữ Hùng Vương. Học phí khá “hữu nghị”, khoảng 200 Euro mỗi năm, mỗi tuần một buổi, giáo viên chủ yếu là du học sinh Việt Nam tại Bỉ. “Hôm trước chồng em đi thi, hình như không làm được bài nên về nhà có vẻ xấu hổ. Học cùng bọn trẻ lai, anh ấy bảo chúng nó tiếp thu nhanh hơn, lại được bố mẹ chỉ dạy thêm ở nhà, đến lớp chủ yếu học viết. Rất may là trong lớp có một học viên cao tuổi cũng là người Bỉ để chồng em kết bạn. Ông ấy có con trai lấy vợ Việt nên quyết tâm đi học tiếng Việt để nói chuyện được với con dâu. Chị thấy không, chính người Bỉ còn trân trọng tiếng Việt một cách cảm động như thế, huống chi mình!”.

Chồng tôi thường kêu “tiếng Việt khó quá”, chẳng khác nào tôi cho rằng tiếp thu ngôn ngữ Hà Lan của anh quá vất vả. Nhưng, có một cách thẩm thấu ngoại ngữ thật dễ dàng mà mình không nhận ra, đó là mỗi khi chồng tôi đi làm về, cậu con trai hai tuổi rưỡi của chúng tôi lại xòe tay ra nài bố “bế, bế”. Bố học từ con, còn tôi, thêm yêu tiếng nước mình ở xứ xa!
*
* *
Ở xa thấy Tết thật gần. Tâm trạng chung là vậy, cái gì xa rồi mới thấy nhớ, mất rồi mới thấy tiếc. Hồi còn ở nhà, khi nhỏ tôi rất thích Tết, lớn lên thấy thờ ơ, xa xứ rồi lại bồi hồi muốn có Tết. Thế giới phẳng, giao lưu gặp gỡ nhiều khiến cho người Việt giờ xem trọng cả Tết Tây, người phương Tây cũng có khái niệm rõ ràng hơn về Tết Âm lịch của một số quốc gia Châu Á. Chị Hồ Lan kể rằng ngày càng có nhiều người Australia biết năm âm lịch tượng trưng cho con gì, nhưng họ băn khoăn Tết Việt có điểm gì khác với những quốc gia Châu Á khác? Ngay ở Bỉ, chồng con tôi được “khai sáng” về Tết Việt trong những buổi gặp mặt mừng xuân ở Đại sứ quán Việt Nam tại Brussels hoặc các lễ hội đón xuân mới do cộng đồng người Việt tại Bỉ tổ chức. Người Tây hoa mắt với bao món ngon trên bàn tiệc Tết Việt, thấy họ hồ hởi với món ăn Việt, tự hào lắm chứ!

Thế nhưng ngoài chuyện cố gắng tự gói hoặc xoay xở mua cặp bánh chưng, ba ngày Tết Việt ở nơi xứ xa còn là gì nữa?

Ở Việt Nam, để bàn thờ lạnh lẽo ngày Tết có thể bị trách, thấy hàng xóm láng giềng luộc bánh, giã giò kí cốp mà bếp nhà mình lạnh tanh, chạnh lòng chứ. Nhưng ở nơi này, Tết Việt thường rơi vào ngày làm việc, có ai thúc ép phải đón Tết đâu. Hóa ra chính là lòng mình giục giã, tâm mình mong ngóng. Thế mới lạ kỳ! Và trong nhiều gia đình gốc Việt, thậm chí ngay giữa không gian ký túc xá chật hẹp của những gia đình du học sinh Việt ở Pháp, đêm Giao thừa xa nhà nào trên ban thờ tượng trưng (không có bát hương thờ cúng gia tiên như ở nhà) cũng có đủ mâm ngũ quả, đĩa gà trống luộc, cặp bánh chưng và cành đào chúm chím nụ. Yêu Tết Việt, yêu nước Việt mình chính là thế này đây!

Xa rồi lại cảm nhận rõ ràng hơn, Tết quê nhà sao mà thiêng liêng đến thế. Đó là không gian thật, không khí thật, báo đài nói về Tết, cơ quan nói về Tết, và nhà nhà đón Tết. Con người Việt trong tôi những ngày Tết cổ truyền nơi Châu Âu này sẽ lại đón Tết của lòng mình bằng cách cho những ký ức đẹp sống lại. Đó là chiều Ba mươi Tết mua một bó hoa tươi nhiều màu về cắm trong nhà. Đó là buổi sáng sớm mồng Một, tỉnh dậy thấy những nụ bích đào hé nở như đang mỉm cười. Như thấy trước mắt mình cái Tết se sắt lạnh miền Bắc làm cho loài hoa nào cũng thắm và món ăn nào cũng ngon, cũng đậm đà tình dân tộc…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp Tết xa quê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.