Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp một tình yêu Hà Nội

Cù Xuân Trường| 19/04/2016 05:33

(HNM) - Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới (Nhà xuất bản Hà Nội - 2016) tuyển chọn một số bài viết, bài nói của Tiến sĩ Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 là một cuốn sách, cũng là kho tư liệu hữu ích với những người yêu Hà Nội, những nhà nghiên cứu về Hà Nội.



Nói như vậy bởi bên cạnh những vấn đề căn cốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, những quốc kế, dân sinh được thể hiện sắc bén từ điểm nhìn của một nhà lý luận nhưng là một con người hành động, bạn đọc cũng có thể lục tìm trong hàng trăm trang viết ấy một Hà Nội cho riêng mình.


Mười năm hai tháng trên cương vị người đứng đầu Thủ đô, một quãng thời gian không dài trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội nhưng lại có rất nhiều dấu ấn. Đó là giai đoạn Hà Nội vươn mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, tiến hành Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng và triển khai Luật Thủ đô… Một thập niên Hà Nội căng mình chuyển động trong vận hội và thách thức như chính tâm sự của Tiến sĩ Phạm Quang Nghị: "…Thủ đô đang trong thời kỳ phát triển vô cùng sôi động. Tôi thực sự cảm nhận được sức nóng, sự va đập, ảnh hưởng, tác động nhiều chiều qua từng công việc, từng ngày, từng tháng…".

144 bài viết trải dài ngót 800 trang sách khổ 16x24cm, Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới gói trọn những tâm huyết, trăn trở của tác giả qua hai mạch chính: "Xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô ngày càng vững mạnh" và "Để Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại". Mỗi chủ đề lại hàm chứa khối lượng thông tin lớn, đa chiều, đa diện bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Xây dựng Đảng, phát huy nguồn lực, phát huy truyền thống Thủ đô; những giải pháp, định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô… Và như một dấu nhấn ý nghĩa, phần cuối cuốn sách là 20 bài viết phác họa những chân dung và những mối quan tâm thường ngày từ "góc nhìn" trăn trở, tâm huyết với Thủ đô. Bởi thế mỗi bạn đọc dù có thể tiếp cận những khía cạnh khác nhau, yêu từng trang sách ở góc độ khác nhau, song có thể dễ dàng cảm nhận điểm chung trong mỗi bài viết, bài nói ấy đều ấm áp một tình yêu Hà Nội.

Một lát cắt tinh tế bật lên từ những trang viết giàu cảm xúc để mỗi chúng ta hiểu hơn tính cách người Hà Nội: "Thường ngày luôn nhẹ nhàng, tĩnh lặng như mặt nước Hồ Gươm, trong veo như bầu trời thu Hà Nội; lịch lãm, duyên dáng như nét xưa phố cổ và nồng nàn như hoa sữa về khuya… Nhưng khi bước vào những thử thách thì người Hà Nội hiên ngang lẫm liệt trong tư thế rồng bay, sẵn sàng "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", làm nên những chiến công "Điện Biên Phủ trên không" bất diệt… Người Hà Nội còn có nét riêng đáng yêu khác. Ngay cả khi thật lòng yêu thích, hoặc không vừa ý về một điều gì cũng ít khi nói ra thành lời. Hiểu được người Hà Nội quả là không dễ, bởi nơi đây hội tụ đậm đặc nhất, tiêu biểu nhất cho trí tuệ, tâm hồn và bề dày của truyền thống Thăng Long - Hà Nội, của văn hóa Việt Nam".

Am hiểu văn hóa Thăng Long - Hà Nội, soi chiếu thực tế từ tầm nhìn văn hóa, Tiến sĩ Phạm Quang Nghị đã đưa ra những kiến luận sâu sắc về bảo tồn và phát triển - một thách thức không chỉ với một đô thị hơn nghìn năm tuổi, ăm ắp di sản như Thăng Long - Hà Nội: "Bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất của vấn đề. Bảo tồn có chọn lọc, có hình thức và phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị và điều kiện cần và có thể bảo tồn. Phát triển cũng là để con người, loài người sẽ có thêm nhiều yếu tố giá trị mới để bảo tồn về sau, để làm phong phú thêm đối tượng bảo tồn. Không bao giờ có thứ "bảo tồn" nguyên trạng tất tần tật mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi. Cũng như không thể có thứ "phát triển" nào mà không nhìn sau, trông trước. Phát triển phải đem lại lợi ích cho con người, cho mai sau thì mới xứng đáng được thừa nhận là phát triển. Và cái phát triển mới ra đời hôm nay lại sẽ là cái được mai sau đánh giá để "bảo tồn".

Và có thể cảm nhận được rất nhiều từ những trải lòng của người đứng đầu thành phố qua những trang viết: "Ước gì tất cả mọi người tham gia giao thông ở nước ta, sau khi nghe xong bản tin "Chào buổi sáng", ai nấy ra đường tham gia giao thông thật trật tự, thật đúng luật, thật văn hóa thì dù hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập nhưng chắc chắn sẽ ít xảy ra ùn tắc, không xảy ra tai nạn quá nhiều như hiện nay…" (Ước gì sau khi "Chào buổi sáng"). Hay: "Dường như mọi sự ở đời đều có mặt này, mặt kia. Cái lý sự chậm chạp, đủng đỉnh, từ từ… đến mức khiến người ta phải bất bình, sốt ruột ở đất Thủ đô đôi khi còn do những nguyên nhân, những người có trách nhiệm giải quyết công việc lâm vào tình cảnh "đẽo cày giữa đường", lắm ý kiến nói vào, nói ra cộng hưởng, khiến càng thêm bị lỡ thời cơ, lỡ việc, chậm phê duyệt, chậm triển khai dự án…" (Ngẫm về câu nói "Hà Nội không vội được đâu").

Với những kiến giải sâu sắc của một nhà lý luận, những rung cảm tinh tế của một nhà văn hóa, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện của Hà Nội trong một giai đoạn hết sức đặc biệt đã được chuyển tải một cách bình dị. Và qua Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới bạn đọc có thể hiểu hơn về một con người đã nỗ lực vì một tình yêu lớn với Thủ đô, với Thăng long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp một tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.