(HNM) - Cùng với những bữa ăn tập thể giá rẻ, khó bảo đảm về an toàn thực phẩm (ATTP) tại nơi làm việc, người công nhân còn phải đối mặt với những thực phẩm không an toàn trong chính bữa cơm tại gia đình họ. Tình trạng thực phẩm
Thực phẩm không an toàn
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 285 nghìn lao động là công nhân tại 15 khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung và hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Hằng ngày, ngoài bữa ăn tập thể tại nơi làm việc, sau giờ tan ca công nhân mua thực phẩm tại các chợ giá rẻ để chế biến cho bữa cơm gia đình. Khảo sát tại một chợ tự phát trên đường Bùi Văn Ngữ (quận 12) vào giờ tan ca chiều, cho thấy có khá đông công nhân vừa đi làm về vào mua thực phẩm với giá rẻ bất ngờ: Thịt lợn ba chỉ bán trên thị trường giá hơn 80 nghìn đồng/kg thì ở đây chỉ có giá 40 nghìn đồng; tôm thẻ đã cứng đơ vì ướp đá giá 12 nghìn đồng/lạng, chỉ bằng một nửa giá bán tại các chợ hải sản. Thực tế, hầu hết thực phẩm từ thịt, cá, rau củ ở đây chỉ có giá bằng nửa hoặc 1/3 giá bán trên thị trường. Chị Lã Thị Thảo (công nhân tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp) cho biết, giá thấp như vậy bởi hầu hết thực phẩm được mang về từ các chợ trong nội thành, tiểu thương bán từ sáng bị ế đến chiều mang về đây bán “đại hạ giá”.
Thực phẩm cho công nhân được coi là hàng “ế” từ các chợ nội thành chuyển về. |
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều mẫu thực phẩm tại các chợ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, trong đó chủ yếu ở các chợ tự phát tại các khu công nghiệp. Không ít sản phẩm không nhãn mác, quá hạn sử dụng vẫn được bày bán tại đây. Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đối với công nhân, lực lượng lao động cần sức khỏe thì việc sử dụng thực phẩm không an toàn sẽ gây ra những hậu quả như ngộ độc nhiều cấp độ với các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy..., nếu ngộ độc cấp tính phải điều trị dài ngày sẽ gây suy giảm sức lao động nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết, không chỉ bản thân những người công nhân bị ảnh hưởng từ thực phẩm bẩn mà con cháu họ cũng phải chịu những hệ lụy do sự tích lũy các độc tố có hại ở một số cơ quan trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh (như ung thư) hoặc có thể ảnh hưởng đến điều hòa gen, gây ra các dị tật, dị dạng cho thế hệ sau.
Khó quản lý chất lượng
Có một thực tế là không phải ai cũng có tiền để tìm đến với thực phẩm sạch, điển hình là người công nhân. Trong khi quản lý giữa các khu vực thiếu đồng bộ khiến cho công tác quản lý ATTP tại TP Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng “bên trọng bên khinh”. Việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm ở các khu chợ công nhân vẫn là khoảng trống mà cơ quan chức năng tuyến cơ sở cũng như thành phố chưa thể khắc phục. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Các cơ quan chức năng nên tới chợ gần các khu công nghiệp vào giờ tan ca, kiểm tra từng miếng thịt, bó rau xem thực phẩm cho người công nhân bẩn đến mức độ nào”.
Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Y tế huyện Hóc Môn thừa nhận, cơ quan y tế cơ sở tuyến phường, xã chưa nắm vững chuyên môn nên “ngại” đi kiểm tra. Cùng với đó, việc thiếu các phương tiện cũng như quy trình xét nghiệm gây khó cho công tác. Thông thường khi lấy mẫu thực phẩm xong phải mất ít nhất 3 giờ để có kết quả kiểm tra, lúc đó xuống đến nơi thì tiểu thương bán hết thực phẩm, công nhân cũng giải tán.
Ngay cả bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, hiện ngành cũng “bó tay” trước tình trạng mất ATTP tại các chợ cho công nhân. Theo bà Mai, biện pháp hiệu quả nhất là dẹp bỏ các chợ tự phát trong thành phố nói chung và tại các khu công nhân nói riêng, và đây sẽ là một “mũi tên” trúng nhiều đích, trong đó có vấn đề quản lý ATTP. Ngoài ra, người công nhân cũng nên tự ý thức được sự nguy hại của thực phẩm tại các chợ này để phòng tránh, tẩy chay và lựa chọn thực phẩm an toàn tại các chợ truyền thống đã được kiểm soát ATTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.