(HNM) - Trong những ngày qua, chiến sự tại Aleppo diễn biến hết sức căng thẳng trong thế giằng co khốc liệt giữa quân đội Chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy. Hàng trăm nghìn dân thường bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực. Thành phố lớn thứ hai Syria này - nơi tập trung đông dân cư, trung tâm chính trị lớn nhất phía Bắc - cũng là một trong những “đại bản doanh” của lực lượng nổi dậy.
Chiến sự tại Aleppo đang diễn ra khốc liệt. |
Từ đầu tháng 7 vừa qua, quân chính phủ đã kiểm soát được tuyến đường Castello phía Tây Bắc - kênh tiếp tế cuối cùng dẫn vào khu vực phía Đông của Aleppo. Bước ngoặt này nhanh chóng đẩy quân nổi dậy vào tình trạng kiệt quệ, tạo tiền đề thuận lợi cho lực lượng chính phủ tiến đến mục đích cuối cùng là giải phóng hoàn toàn thành phố.
Trên thực tế, kể từ thời điểm mất Castello, quân nổi dậy đã tiến hành hàng loạt đợt tổng tấn công nhằm phá vỡ vòng vây nhưng không giành được thành công đáng kể nào. Theo Liên hợp quốc, nhu yếu phẩm bên trong Aleppo hiện hết sức khan hiếm khiến cuộc sống của dân thường khốn đốn. Trong khi đó, hầu hết cơ sở hạ tầng của thành phố, đặc biệt là ở khu vực phía Đông, đã bị hủy hoại nghiêm trọng sau hơn 5 năm hứng chịu vô số cuộc không kích và pháo kích.
Hơn nửa thập kỷ chìm trong xung đột, bản đồ quân sự của quốc gia Trung Đông này biến động hết sức phức tạp. Riêng tại Aleppo hiện có hàng chục nhóm vũ trang lớn nhỏ tham chiến. Trong đó, nổi lên là các nhóm quân sự địa phương và lực lượng Shiite thân Iran đang sát cánh cùng chính phủ. Bên cạnh đó là lực lượng phiến quân gồm cả nhóm cực đoan như Al-Nusra và ôn hòa như Mặt trận Syria tự do, Mặt trận Hồi giáo, dân quân Hồi giáo dòng Sunni… với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Từ năm 2012, nơi này đã bị chia cắt làm hai phần: Phía Tây do Chính phủ Syria kiểm soát và phía Đông nằm trong tay lực lượng phiến quân. Do vậy, nếu quân đội của Tổng thống Bashar Al-Assad có thể chiếm giữ hoàn toàn Aleppo sẽ đồng nghĩa với việc mọi thành phố lớn trên lãnh thổ Syria đều nằm trong tay chính phủ. Ngoài giúp củng cố quyền lực chính phủ, điều đó cũng dẫn tới việc lực lượng nổi dậy sẽ mất căn cứ chính và địa bàn hoạt động bị thu hẹp đáng kể, thậm chí có thể thất thủ toàn diện và sụp đổ. Ngược lại, nếu giành được chiến thắng ở Aleppo, lực lượng nổi dậy sẽ hạn chế được sự kiểm soát của Chính phủ tại khu vực phía Tây Syria và Cao nguyên Golan.
Với vị trí chiến lược trọng yếu, Aleppo được xem như thủ đô thứ hai của Syria. Bên nào kiểm soát được thành phố từng là trung tâm tài chính của đất nước Trung Đông này sẽ quản lý được một khu vực liên kết với Damascus, Idlib, Hasakah và làm bàn đạp tiến đến “thủ đô” Raqqa của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria. Vì vậy, chiếm giữ Aleppo sẽ có được sức mạnh to lớn trên bàn đàm phán. Trận quyết chiến ở thành phố này cũng có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại của các bên, cũng như là "chiếc chìa khóa" định hình cục diện cuộc xung đột đã bước sang năm thứ sáu.
Do đó, cho dù đã tuyên bố lệnh ngừng bắn áp dụng từ 10h đến 13h mỗi ngày để mở hành lang tiếp tế nhân đạo, bảo đảm cho các tổ chức cứu trợ có thể cung cấp hàng hóa an toàn đến hơn 1,5 triệu cư dân đang bị kẹt giữa các làn đạn, cuộc quyết đấu tại cứ điểm được truyền thông quốc tế gọi là “Stalingrad của Syria” chắc chắn còn quyết liệt trong thời gian tới. Đây là diễn biến có thể nhận thấy rõ bởi quân đội của Tổng thống B.Al-Assad đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của lực lượng Nga và phe thân chính phủ tại đây, trong khi các nhóm chống đối cũng huy động mọi khả năng để chống trả tới cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.