Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai về bệnh viện tuyến dưới...

Đình Hiệp| 20/09/2011 06:31

(HNM) - "Lâu nay những ca bệnh nặng hay phải điều trị nội trú chuyên khoa sâu, chúng tôi đều cho chuyển hết lên tuyến trên vì ở đây không có bác sĩ. Nhưng từ đầu năm đến nay, nhờ các bác sĩ của các BV Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương và Tai Mũi Họng về khám, chữa bệnh (KCB), người dân đã đỡ khổ hơn rất nhiều" - bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, Giám đốc BV Cần Giờ không giấu được niềm phấn khởi khi nói về hiệu quả của Đề án 1816 mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai.

Tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới

Biết có bác sĩ Lê Kim Bá Liêm ở BV Hùng Vương TP Hồ Chí Minh về KCB, ngay từ sáng sớm chị Nguyễn Thị Nở ở xã An Thới Đông cùng nhiều chị em khác đã xếp hàng chờ sẵn trước cửa Khoa Sản của BV Cần Giờ. Đang mang bầu 5 tháng, chị Nở vui vẻ cho biết: "Đây là lần thứ ba em được bác sĩ Liêm khám thai. Mỗi lần khám em rất yên tâm vì bác sĩ Liêm là người giỏi chuyên môn từ TP xuống. Không những thế, bác sĩ còn chỉ bảo tận tình, cẩn thận mỗi khi em hỏi thông tin. Nếu được các bác sĩ trên TP xuống khám thường xuyên thì tốt quá, chúng em không phải lo lắng gì mà lại đỡ đi xa tốn kém đủ thứ". 

Bác sĩ Bá Liêm (giữa) đang khám bệnh tại Khoa Sản BV Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Khoa Sản là một trong những khoa của BV Cần Giờ đang được bác sĩ của các BV Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương và Tai Mũi Họng về khám trong khuôn khổ Đề án 1816 của Bộ Y tế về "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB". Theo hợp đồng hỗ trợ chuyên môn giữa BV Cần Giờ với các BV Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương và Tai Mũi Họng thực hiện từ đầu năm đến nay, lịch khám được chia đều ra các ngày trong tuần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến KCB. Trong đó các bác sĩ của BV Hùng Vương hỗ trợ khám và điều trị phụ khoa, sản khoa, siêu âm, xét nghiệm… vào các ngày thứ 2, 4 và 6. Các bác sĩ của BV Nguyễn Tri Phương hỗ trợ khám ngoại khoa, hồi sức cấp cứu; tập huấn về ngưng tim, ngưng thở, hen phế quản, xử trí cấp cứu bệnh nhân hôn mê… vào các ngày thứ 2, 3, 5. Còn các bác sĩ của BV Tai Mũi Họng thì hỗ trợ khám và điều trị về tai mũi họng vào các ngày thứ 3, 4. Để người dân tiện theo dõi, bệnh viện đã cho dán lịch khám cụ thể của từng bệnh viện trước cửa các khoa.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của các bác sĩ BV Hùng Vương, từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Cúc - nữ hộ sinh chính Khoa Sản của BV Cần Giờ cũng như các nữ hộ sinh ở đây đã trưởng thành về chuyên môn lên rất nhiều. Đều đặn hằng tuần, ba bác sĩ của BV Hùng Vương thay nhau vượt quãng đường 120km cả đi lẫn về từ TP xuống để KCB cho dân. "Em biết không, bình thường mỗi ngày khoa chưa đầy chục người đến khám, nhưng hôm nào có các bác sĩ BV Hùng Vương về, họ hẹn nhau đến đông lắm" - Vừa nói chị Cúc vừa thống kê cho tôi thấy, chỉ trong một buổi sáng bác sĩ Liêm đã khám cho 75 ca, trong đó có 52 ca khám thai. Không chỉ khám, siêu âm, xét nghiệm và điều trị tại chỗ cho nhiều trường hợp mà trước đây BV Cần Giờ không thể làm được, bác sĩ Liêm còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các y tá, nữ hộ sinh cách xử lý những trường hợp phức tạp. Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ BV Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương và Tai Mũi Họng, từ đầu năm đến nay, việc KCB cho người dân Cần Giờ đã được cải thiện đáng kể. Số lượt bệnh nhân đến khám trong hai quý đầu năm đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượt chuyển viện giảm đáng kể, trong đó khoa sản giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hỗ trợ kịp thời này không chỉ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Cần một cơ chế đặc thù

"Hiếm có bệnh viện nào của TP Hồ Chí Minh lại khó khăn như BV Cần Giờ. Theo quy định, một bệnh viện hạng III với 150 giường bệnh như Cần Giờ thì phải có tối thiểu 40 bác sĩ. Tuy nhiên, BV Cần Giờ hiện chỉ có 17 bác sĩ, trong đó 4 bác sĩ đang đi học, 4 bác sĩ hỗ trợ cho Phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa (phòng khám thuộc bệnh viện), vì thế nhiều khoa còn trống bác sĩ" - Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ cho biết. Trước đây, sáng nào cũng vậy, tất cả từ ban giám đốc đến các khoa, các bác sĩ đều phải xuống khám bệnh cho người dân, sau đó mới về làm việc chuyên môn. Không chỉ dừng lại ở đó, Cần Giờ còn là bệnh viện "độc nhất vô nhị" ở TP Hồ Chí Minh không có nhà thuốc bệnh viện, bởi cả bệnh viện chỉ có một dược sĩ duy nhất nhưng lại đang mở hiệu thuốc tư nên không thể đứng tên nhà thuốc bệnh viện.

Vất vả là thế nhưng với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng đối với bác sĩ mới ra trường thì dù có tâm huyết đến mấy các bác sĩ trẻ cũng khó có thể yên lòng bám trụ lại đây. "Một bác sĩ mới tốt nghiệp ở TP, các bệnh viện đã nhận ngay với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, trong khi ở BV Cần Giờ không có gì khác ngoài đồng lương. Tôi là giám đốc đã gắn bó với nghề này 20 năm rồi, cộng tất cả các loại phụ cấp cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng, còn trung bình thu nhập của các bác sĩ ở đây chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đây cũng là lý do vì sao không bác sĩ nào muốn về đây làm việc" - Bác sĩ Huệ trăn trở. Trong 10 năm trở lại đây, có khoảng 20 con em của Cần Giờ tốt nghiệp Đại học Y nhưng chỉ có một em tình nguyện về bệnh viện làm việc. Các em sẵn sàng nộp lại số tiền mà huyện đã chu cấp hằng tháng trong thời gian học đại học để được làm việc ở TP.

Khó khăn lớn nhất với BV Cần Giờ hiện nay vẫn là vấn đề nhân sự. "Nếu không có nhân sự thì Đề án 1816 không thể bền vững được. Tôi nghĩ rằng TP nên có cơ chế, chính sách riêng cho BV Cần Giờ, bởi khó khăn ở đây không giống bất cứ quận, huyện nào của TP. Tôi thực sự lo ngại, không dám chắc các bác sĩ đang cử đi đào tạo khi học xong có về bệnh viện làm việc nữa hay không ?" - Bác sĩ Huệ nói. Phần lớn các bác sĩ đang gắn bó với BV Cần Giờ là vì tình cảm, vì thế ngoài việc đi kiểm tra các khoa hằng ngày, bác sĩ Huệ còn có nhiệm vụ khá "nặng nề" là động viên tinh thần anh chị em. Quả thực là khó khi bản thân bác sĩ Huệ cũng phải làm nghề biển như một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Đều đặn mỗi sáng thứ Sáu hằng tuần, bác sĩ Liêm lại mất hai giờ xuống khám bệnh tại Khoa Sản BV Cần Giờ. "Cách đây hơn chục năm tôi đã xuống đây khám bệnh cho bà con rồi. Thấy người dân nghèo, mình thương lắm, mình phải có trách nhiệm giúp bệnh viện vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ai cũng thích làm việc ở TP thì ai về giúp các bệnh viện ở tuyến dưới ?" - bác sĩ Liêm chia sẻ.

Chúng tôi rời Cần Giờ mà lòng không khỏi băn khoăn về những lo lắng của các bác sĩ nơi đây. Song, nhờ có những người như bác sĩ Liêm - những "chiến sĩ áo trắng" trên mặt trận y tế - những bệnh nhân nghèo như Cần Giờ sẽ vơi đi khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai về bệnh viện tuyến dưới...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.