(HNMO) - Nửa cuối năm Nhâm Thìn 2012, nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm mang hẳn “thủy đình” lên tầng thượng căn nhà nhỏ của gia đình, diễn đủ tích trò...
Thủy đình của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nằm ngay tại tầng 4 của gia đình |
* Công thức 3D
“Thủy đình” nằm tại tầng 4 căn nhà mà Phan Thanh Liêm và gia đình đang ở. Nhà nằm phía trong đường mới Xã Đàn, tưởng đã là lắt léo mà vẫn có nhiều khách du lịch bỏ công tìm đến.
Sân khấu nhỏ, chừng hơn ba chục thước vuông, không đủ chỗ cho quá nhiều người. Phan Thanh Liêm nói, khách đến với những màn rối nước tại gia của anh chủ yếu là người có nhu cầu tìm hiểu trực tiếp nghệ thuật múa rối nước. Mô hình nhỏ phù hợp với những nhóm du khách thích khám phá Hà Nội theo kiểu “du lịch bụi”. Biết vậy, gia chủ luôn sẵn lòng phục vụ, ngay cả khi nhóm khách chỉ có 2 - 3 người và đó là điểm khác biệt đáng kể so với một mô hình khác ở Sóc Sơn cũng có màn múa rối nước – hoành tráng, nhưng xa lạ vì đắt đỏ.
Điều hấp dẫn ở sân khấu rối nước đặc biệt này là Phan Thanh Liêm để khách cùng vào “thủy đình” chơi với con rối. Anh sẵn lòng hầu chuyện khách hàng giờ, trao đổi từ lý thuyết sơ đẳng đến những điều cao siêu của rối nước. Vốn là thợ rối, Phan Thanh Liêm có thể hướng dẫn khách cách làm quân rối. Có cô khách người Pháp, vì say mê rối nước Việt Nam, thích cách anh tỉ tê chuyện làm quân rối, cách dựng thủy đình, chế tạo bể nước di động… nên thường xuyên qua lại, lâu rồi thành bạn, thành người “dắt mối” các đoàn khách nước ngoài đến khám phá.
Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm |
Gần đây, Phan Thanh Liêm còn phục vụ ẩm thực cho khách sau khi xem múa rối. Thực đơn chủ yếu là món ăn Việt Nam như nem cuốn, xôi gà, chả cá… Bếp trưởng, chẳng ai khác mà chính là “bà xã” của anh. Phan Thanh Liêm giải thích: “Làm du lịch tại nhà cũng phải có đầy đủ dịch vụ, để khách có được trải nghiệm trọn vẹn khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Họ được xem múa rối, mày mò khám phá nghệ thuật truyền thống và được thưởng thức một bữa cơm bình dân của người Việt. Có sống trong một không khí dân dã, gần gũi thì du khách mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.
Từ khi khai trương vào giữa năm ngoái, đến nay Phan Thanh Liêm vẫn duy trì địa chỉ văn hóa – du lịch mà anh nói đùa là “vận hành trên cơ sở công thức 3D”, có nghĩa là “được xem, được hiểu, được ăn”.
* Mở hướng bảo tồn di sản
Phan Thanh Liêm xuất thân từ gia đình nghệ sĩ có truyền thống 7 đời làm múa rối. Cha anh là nghệ sĩ Phan Văn Ngải, thuộc lứa đầu đặt nền móng cho Nhà hát múa rối Việt Nam. Nghề làm rối, múa rối ngấm vào Phan Thanh Liêm từ nhỏ, việc theo nghề như lẽ tự nhiên. Anh chỉ khác cha và anh em của mình ở chỗ luôn đau đáu ước muốn phá bỏ sự ngăn cách giữa rối nước với người xem. Nói ra tưởng sáo, nhưng mô hình “du lịch tại gia” hình thành chính là nhờ ý tưởng “phá rào” đó.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm giao lưu với những khán giả nhí |
Khi thực hiện mô hình múa rối tại nhà, gia đình nhỏ 4 người túm tụm tại tầng 2, có khi phải ngủ chung trên một chiếc giường, dành dụm không gian chung phục vụ khách. Sau một thời gian, mô hình ấy được giới nghiên cứu đánh giá cao bởi tính khả thi và sự gần gũi. GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và NSND Phạm Thị Thành, sau nhiều lần ghé thăm sân khấu múa rối nước tại nhà đều có chung nhận định: Phan Thanh Liêm đã mở hướng bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc hiệu quả. Nghệ thuật dân tộc có sức sống bền vững khi được đưa vào đời sống thường nhật, và Phan Thanh Liêm đã làm được điều đó.
Phan Thanh Liêm đang giữ những cuốn sổ lưu bút của các đoàn khách viết sau khi đến nhà. Anh bảo, đó là kỷ niệm để dành cho con cháu sau này. Dù chưa biết các con mình có nối nghiệp cha hay không, anh hy vọng những lời gửi gắm chân thành của du khách sẽ là động lực để các con anh ý thức về nghề truyền thống của gia đình, tiếp bước cha anh gìn giữ di sản văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.