Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai lợi, ai thiệt?

Quỳnh Dung| 14/11/2011 07:11

(HNM) - Hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm ở ngoại thành Hà Nội đang đứng ngồi không yên vì giá giống gia cầm tăng tới 50% so với thời điểm cách đây 4 tháng khiến cho việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn.


Một câu hỏi được đặt ra là trong khi giá gia cầm thương phẩm giảm mạnh thì việc giá giống cao ngất ngưởng, phải chăng là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống đang gây khó cho người chăn nuôi?


Chăm sóc đàn gà giống tại xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).  Ảnh: Trung Kiên

Giá giống tăng 50%

Anh Nguyễn Trọng Chuyền, chủ trang trại gia cầm 20.000 con ở huyện Chương Mỹ cho biết, chưa bao giờ người nuôi gia cầm lại rơi vào hoàn cảnh khốn đốn như năm nay. Theo tính toán sơ bộ thì để người chăn nuôi có lãi, giá gà giống một ngày tuổi phải ở dưới mức 16.000 đồng/con nhưng từ đầu năm đến nay, giá giống lên xuống thất thường và hiện tại ở mức độ cao khiến cho những hộ chăn nuôi lao đao. Ở thời điểm tháng 8, trong khi gà công nghiệp (gà trắng) bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg, giá giống chỉ có 12.000-18.000 đồng/con thì từ tháng 9 đến nay, giá gà thương phẩm hạ xuống còn 34.000-35.000 đồng/kg và duy trì trong một thời gian dài còn giá giống lại tăng lên khoảng 25.000-26.000 đồng/con, thậm chí có khả năng tăng lên nữa.

Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ hộ chăn nuôi 5.000 con gia cầm ở xã Lê Thanh (Mỹ Đức) cho biết, vào khoảng cuối tháng 10 vừa qua giá giống gia cầm lại tăng với mức độ phi mã, tăng khoảng 50% so với thời điểm tháng 8. Mặc dù, chăn nuôi cũng theo quy luật của thị trường, thời điểm cuối năm giá giống sẽ tăng cao do các hộ tái đàn phục vụ thị trường tết, nhưng với giá giống như hiện nay khiến người nuôi rơi vào hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Phụ thuộc vào giống "ngoại"

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, hiện giống gia cầm trên thị trường không khan hiếm nhưng giá cả lên xuống thất thường. Ngoài ra, gà giống công nghiệp của Việt Nam do 2 doanh nghiệp nước ngoài của Thái Lan và Inđônêxia chi phối, khống chế giá. Do nắm gần như 100% thị phần gà giống công nghiệp nên giá cả thị trường do các doanh nghiệp này quyết định, các cơ quan quản lý nhà nước không thể điều tiết.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện giá thành sản xuất con giống chỉ khoảng 8.000-9.000 đồng/con, vào thời điểm giá "đầu vào" cao cũng chỉ từ 11.000-12.000 đồng/con và các công ty cung ứng giống đã hưởng mức lãi 30-40%. Còn với giá giống tăng cao như hiện nay thì các công ty này đang hưởng mức siêu lợi nhuận và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Hiện nay, thị trường giống gia cầm không ai điều tiết, cơ quan quản lý nhà nước cũng không quản lý, điều chỉnh được. Vì vậy, mặc dù người nông dân bị ép giá cao nhưng vẫn phải chấp nhận vì hệ thống sản xuất giống gia cầm trong nước chất lượng kém, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, khả năng kháng bệnh không được như giống ngoại nên không đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Hiện nay, chỉ có trang trại chăn nuôi quy mô lớn mới ký được hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp cung ứng giống còn lại hầu hết các cơ sở nhỏ và vừa đều phải mua qua khâu trung gian là các đại lý, nên thường cao hơn 10-20% so với giá gốc mà nhà sản xuất bán ra. Nhiều ý kiến cho rằng, để ổn định thị trường giống gia cầm, bảo đảm người chăn nuôi có lãi, Nhà nước nên đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất giống trong nước về hạ tầng cũng như kỹ thuật trong sản xuất giống, từng bước đáp ứng được về chất lượng cũng như số lượng giống cho chăn nuôi để không còn cảnh người chăn nuôi phụ thuộc gần 100% vào giống của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng con giống, không để xảy ra tình trạng tư thương lợi dụng "đục nước béo cò" tăng giá giống vào mỗi thời điểm tái đàn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai lợi, ai thiệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.