(HNM) - Tại tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đào Thanh Hải phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Phạm vi nghiên cứu, chế tạo
Thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất tán thành về sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn TP Hà Nội) và đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, việc ban hành luật này là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đóng góp vào Điều 17 về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí của dự án luật. Theo đó, Điều 17 đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện; phương án 2 là giao cho các tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện.
Góp ý về Điều 17, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) tán thành với phương án 2 vì thực tiễn hiện nay ở nước ta chưa có doanh nghiệp ngoài quân đội nghiên cứu chế tạo, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí. Việc quản lý, sản xuất kinh doanh là rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia. Do vậy, giới hạn phạm vi sản xuất kinh doanh càng hẹp thì càng dễ kiểm soát và tính bảo mật càng cao. Cũng theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, không nên thị trường hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu mặt hàng có tính đặc thù này.
Trong khi đó, đại biểu Lê Tấn Tới (Đoàn Bạc Liêu) lại đề nghị chọn phương án 1 vì phù hợp với Điều 68 Hiến pháp năm 2013 về xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh; đồng thời đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh… Đặc thù công tác của lực lượng Công an nhân dân cũng cần có những loại vũ khí, vật liệu nổ chuyên dùng.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn TP Hà Nội) nêu ý kiến, quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí là phù hợp. Hiện nay, Bộ Công an đã có sẵn hệ thống công nghiệp an ninh đang hoạt động tốt, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Siết chặt việc quản lý đối tượng sử dụng
Cũng tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhiều đại biểu nhấn mạnh, hiện nay, quy định về trang bị cấp phép sử dụng vũ khí được cho là rất chặt chẽ nhưng về quản lý đối tượng sử dụng còn nhiều sơ hở.
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình), thực tế đã có những trường hợp sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian vừa qua nhưng chưa xác định được sai sót ở khâu nào. Do vậy, Quốc hội cần nghiên cứu bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí của người chỉ huy, người lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan đơn vị được trang bị vũ khí; bổ sung các quy định về khu vực cấm mang theo vũ khí như trường học, công sở, bệnh viện đối với cả người có giấy phép sử dụng vũ khí khi không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; những nơi cấm mang vũ khí vào cần có biển cảnh báo và có nơi lưu giữ an toàn tuyệt đối theo quy định.
Ở góc độ khác, đại biểu Lê Tấn Tới (Đoàn Bạc Liêu) đề nghị, cần có những quy định chặt chẽ, kịp thời đối với lực lượng công an xã khi được trang bị vũ khí quân dụng. Thực tế, lực lượng này thường xuyên va chạm với các tình huống nguy hiểm cần phải sử dụng súng nhưng từ đây cũng có nhiều trường hợp sai phạm xảy ra như mất vũ khí, sử dụng vũ khí không đúng quy định...
Còn đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc việc đưa ban bảo vệ dân phố vào trong danh mục đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ. Ban bảo vệ dân phố có nhiệm vụ tham gia cùng các cơ quan chức năng giữ gìn trật tự, an toàn trong khu dân cư và chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở người dân chấp hành. Trên thực tế lực lượng này không được đào tạo bài bản, cho nên đại biểu rất băn khoăn khi trang bị công cụ hỗ trợ cho đối tượng này...
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, điều hành nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trên cơ sở ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì, thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội thông qua theo chương trình tại kỳ họp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.