Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai chịu trách nhiệm?

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh| 18/04/2010 06:53

(HNM) - Vụ nhập khẩu 24.000 con rùa tai đỏ, tương đương 40 tấn tại Công ty cổ phần Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ những ngày vừa qua đã gây ra không ít bức xúc. Nhiều nhà khoa học khẳng định, đây là một hành động thể hiện sự vô trách nhiệm đối với môi trường sinh thái.


Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã liệt kê rùa tai đỏ trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Do vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, hết sức cẩn trọng với loài rùa này, không nên nuôi thương phẩm để tránh xảy ra tai họa giống như với ốc bươu vàng. Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, ở Việt Nam rùa tai đỏ được phát hiện trong hồ Gươm (Hà Nội) vào năm 1997. Rùa tai đỏ là loài rùa cỡ nhỏ (chiều dài của mai rùa chỉ khoảng 20-25cm), vùng lưng, cổ thường hay có mảng đỏ, trên mai có những sọc vàng cam. Do có vẻ đẹp hình thái và khả năng thích ứng cao (rất dễ nuôi) nên rùa tai đỏ được bán để nuôi làm vật cảnh. Khí hậu Việt Nam ấm áp rất phù hợp cho sự phát triển mạnh mẽ của loài rùa này. Nguy cơ mà rùa tai đỏ gây ra là cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn át, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái, chưa kể rùa còn mang vi khuẩn Salmonella, khi nhiễm vào thức ăn sẽ gây độc cho người. Hà Nội đã từng khuyến cáo người dân không nên nuôi và thả loài sinh vật này.

GS Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường khẳng định, thế giới đã xếp rùa tai đỏ vào danh sách động vật xâm hại nguy hiểm bậc nhất, vậy mà không hiểu sao các cơ quan chức năng lại dễ dàng cho Công ty cổ phần Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ nhập về như vậy, cho dù mục đích chỉ là chế biến thực phẩm. Lẽ ra trước khi nhập về một loài sinh vật ngoại lai, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, hiểu rõ đặc điểm của nó. Chúng ta đã đối phó hết sức vất vả với sự tấn công của các loại động, thực vật du nhập như ốc bươu vàng, cá hoàng đế, chuột hải ly... để rồi bài học cũ đã lặp lại.

Thời gian gần đây, rùa tai đỏ được bày bán công khai trên đường phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các trang web sinh vật cảnh và rao vặt cũng đầy rẫy thông tin về loài này. Việc nhiều người dân dùng rùa tai đỏ con làm vật phóng sinh trong các ngày tết sẽ tạo điều kiện cho chúng phát tán nhanh chóng, đe dọa sự tồn vong của nhiều loại thủy sinh, bán thủy sinh bản địa hiện hữu. Dù vậy, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một khuyến cáo hay biện pháp ngăn chặn nào đối với nguy cơ bùng phát giống rùa tai đỏ trong môi trường.

Ngày 7-4-2010, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã yêu cầu cơ quan Thú y vùng VII phối hợp Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long rà soát lại số lượng, cách ly, kiểm dịch và giám sát chặt chẽ 40 tấn rùa tai đỏ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết, đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long (PC36) kiểm tra điều kiện nuôi nhốt rùa tai đỏ tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai chịu trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.