(HNM) - Đúng một năm sau khi bỏ phiếu đưa Tổng thống Mohamed Morsi lên nắm quyền, hàng triệu người dân xứ Kim tự tháp lại đổ ra đường phố với yêu cầu hạ bệ vị tổng thống...
Người Ai Cập biểu tình tại quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo phản đối Tổng thống M.Morsi |
Riêng trong ngày 30-6, có khoảng 6-7 triệu người ở nhiều nơi tại Ai Cập đã tham gia cuộc tổng động viên rầm rộ mang tên "Tamarod" (tiếng Arab có nghĩa là Nổi dậy) nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống M.Morsi. Dòng người biểu tình bắt đầu dựng lều bạt và tham gia một cuộc biểu tình ngồi trước nhà riêng của tổng thống tại tỉnh Sharqiya. Hàng trăm người biểu tình tập trung trước cửa trụ sở Bộ Quốc phòng, hô các khẩu hiệu phản đối tổng thống đương nhiệm cùng tổ chức Anh em Hồi giáo và kêu gọi quân đội quay trở lại nắm quyền lực. Đây được xem là cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất kể từ cuộc chính biến kéo dài 18 ngày làm sụp đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011. Trong khi đó, cùng thời gian này, phe Hồi giáo ủng hộ ông M.Morsi cũng tiến hành các cuộc tuần hành nhằm bảo vệ người đứng đầu đất nước. Tuy nhiên, điều đó không thể khiến vị tổng thống của xứ Pharaoh tránh được một tương lai chính trị ảm đạm. Hiện tại, số người đặt bút ký vào bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống M.Morsi ra đi đã lên đến con số kỷ lục là 22 triệu người, vượt xa 13,2 triệu lá phiếu mà ông đã giành được trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 năm ngoái.
Thật khó có thể tưởng tượng được rằng niềm kỳ vọng vào nhà lãnh đạo dân cử đã nhanh chóng được thay thế bởi sự bất mãn. Sóng gió đã nổi lên từ tháng 11-2012 sau khi ông M.Morsi ban hành tuyên bố sửa đổi hiến pháp mà người Ai Cập cho rằng để mở rộng quyền lực như một Pharaoh kiểu mới. Tham vọng thâu tóm quyền lực, tự trao cho mình quyền sa thải và bổ nhiệm tổng công tố, ngăn chặn mọi quyết định bất lợi của các cơ quan tư pháp đối với Hội đồng lập hiến và Hội đồng Shura (Thượng viện) do phe Hồi giáo kiểm soát… đã đẩy Ai Cập vào vòng xoáy bất ổn chính trị. Kết quả một năm cầm quyền của ông M.Morsi là một nền chính trị bế tắc, một bản hiến pháp gây chia rẽ sâu sắc, các thể chế nhà nước dang dở và một nền kinh tế trì trệ. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm tài khóa 2012-2013 (bắt đầu từ tháng 7-2012 đến hết tháng 6-2013) của Ai Cập chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 7% trước thời điểm xảy ra "cuộc đảo chính" đường phố lật đổ ông H.Mubarak. Cùng với làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư do bất ổn chính trị, đồng nội tệ mất giá hơn 10% từ cuối năm ngoái đến nay đã khiến cuộc sống người dân trở nên khó khăn. Dự trữ ngoại tệ chưa bằng một nửa so với thời kỳ tiền "Mùa xuân Arab" buộc chính phủ không thể chi trả nhiều khoản tiền, gây nên tình trạng cắt điện, thiếu nhiên liệu và khí đốt diễn ra thường xuyên. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13% làm bầu không khí xã hội càng tiềm ẩn những xáo động bởi sự phân hóa ngày càng sâu sắc. Do vậy, có lẽ chưa một quốc gia nào chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của dân chúng như tại Ai Cập trong vòng một năm qua. Trên toàn lãnh thổ nước này đã xảy ra gần 9.500 cuộc biểu tình từ lớn nhỏ, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay. Hầu hết các cuộc diễu hành đều để bày tỏ sự bất bình về các vấn đề kinh tế và xã hội; đòi hỏi quyền lợi lao động, nhà ở và các dịch vụ tốt hơn.
Hiện tại, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập vẫn đang ở cao trào và nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ bạo lực tồi tệ là không thể loại trừ. Thế đối đầu căng thẳng hiện nay đang có nguy cơ đẩy quốc gia 84 triệu dân vào một cơn bão mới. Dù lực lượng Anh em Hồi giáo ủng hộ ông M.Morsi khẳng định sẽ không để xảy ra một cuộc đảo chính, nhưng sự sục sôi của dòng người biểu tình sẽ là áp lực khủng khiếp đối với sự tồn tại của chính quyền mới được một năm tuổi ở Cairo. Trong bối cảnh như vậy, không một kịch bản nào có thể được loại trừ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.