Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai Cập: Khó khăn sau “đổ vỡ”

Trung Hiếu| 10/08/2012 07:00

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập tuy đã lắng dịu nhưng xứ Kim tự tháp chưa hoàn toàn hết bất ổn. Chiến dịch lớn của quân đội Ai Cập - sử dụng cả tên lửa tầm ngắn trong ngày 8-8, tiêu diệt 20 tay súng Hồi giáo cực đoan trên bán đảo Sinai - đã giúp


An ninh được thắt chặt tại biên giới Ai Cập - Israel sau vụ tấn công khủng bố.

Nhưng, dư âm vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện ngày 5-8, tại bán đảo Sinai, giết chết 16 binh sĩ Ai Cập vẫn để lại nỗi ám ảnh về bạo lực và khủng bố trong người dân nước này và cộng đồng quốc tế. Những kẻ tấn công sau đó đã chạy sang Israel. Và theo Tel Aviv, quân đội nhà nước Do Thái đã tiêu diệt ít nhất 8 tay súng khi chúng lọt vào lãnh thổ. Tuy nhiên, trong tuyên bố một ngày sau vụ tấn công, lãnh đạo phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza, ông Ismail Haniya cáo buộc "Israel phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhằm gây rắc rối ở biên giới để phá hoại những nỗ lực chấm dứt sự vây hãm của Israel với Dải Gaza" của Palestine. Trong khi đó, phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập cũng cáo buộc Mossad, cơ quan tình báo của Israel, đứng đằng sau vụ tấn công và cho đây là hành động gây trở ngại với tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi…

Rõ ràng, vụ tấn công gây nhiều tổn thất nhất cho Ai Cập tại bán đảo Sinai sau nhiều thập kỷ là thử thách ngoại giao lớn đầu tiên với tân Tổng thống M.Morsi, người vừa nhậm chức cuối tháng 6 vừa qua sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất. Ngay sau vụ tấn công, Cairo đã ra lệnh đóng cửa khẩu Rapha - thông với Dải Gaza của Palestine - đồng thời tuyên bố "những kẻ thực hiện vụ tấn công sẽ phải trả giá đắt". Cùng với hành động quân sự, Tổng thống M.Morsi đã cách chức Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập Mohamed Murad Mowafi và Tỉnh trưởng Sinai Abdul Wahab Mabruk. Sĩ quan chỉ huy lực lượng cảnh sát và sĩ quan chỉ huy lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống cũng đã bị thay thế. Bên cạnh đó, với sự đồng ý từ phía Israel, Tổng thống M.Morsi đã triển khai thêm hàng ngàn binh lính và cảnh sát tại Sinai.

Trong quá khứ, khu vực phi quân sự rộng lớn trên bán đảo Sinai là vấn đề cốt yếu trong Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, ký năm 1979. Theo đó, Israel rút quân khỏi Sinai mà nước này chiếm đóng từ năm 1967; đồng thời phía Ai Cập cũng giới hạn số binh sĩ vũ trang tại đây. Sau khi Tổng thống H.Mubarak bị phế truất (tháng 2-2011), để lại lỗ hổng quyền lực của Cairo, đã giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan có đất "dụng võ" và vụ tấn công vừa qua là một minh chứng. Sự giận dữ trong dân chúng sau sự kiện này đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình tại Cairo trong mấy ngày qua. Những người xuống đường đã phản đối lực lượng Anh em Hồi giáo và Tổng thống M.Morsi khiến Tổng thống M.Morsi không thể tham dự buổi lễ cầu nguyện cho các binh sĩ tử trận vì lý do an ninh.

Cơn thịnh nộ trong dân chúng Ai Cập vốn tiềm ẩn từ sau cuộc phế truất Tổng thống H.Mubarak bởi cuộc ganh đua quyền lực tại quốc gia này mà cái chết của các binh sĩ là giọt nước tràn li. Sự kiện ông M.Morsi - là người của tổ chức Anh em Hồi giáo - trở thành tổng thống mới của Ai Cập đã cho phép tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Cuộc "trở lại" này đã khơi mào một cuộc đấu quyền lực giữa tổ chức Anh em Hồi giáo mà ông M.Morsi là đại diện với bên kia là giới quân sự vốn từ lâu thâu tóm quyền ở đất nước Bắc Phi này. Do đó, chỉ cần một "va quệt" nhỏ cũng rất dễ làm bùng lên đám cháy lớn tại Ai Cập vào thời điểm này.

Tuy nhiên, Tổng thống M.Morsi đã và đang có những bước đi nhằm làm dịu tình hình. Theo đó, quá trình soạn thảo Hiến pháp mới của Ai Cập vừa được loan báo sẽ hoàn tất vào cuối tuần này; đồng thời Hội đồng Shura (Thượng viện) sẽ được quyết định giữ nguyên như trước đây… Nhưng, một Ai Cập thật sự bình yên đang đòi hỏi tân Tổng thống M.Morsi phải vượt qua không ít khó khăn trong một thể chế vừa suy yếu sau những “đổ vỡ” lớn cũng như "ứng xử" với những phần tử Hồi giáo cực đoan nhưng không để những người Hồi giáo anh em nổi giận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai Cập: Khó khăn sau “đổ vỡ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.