(HNM) - Chính phủ Afghanistan và Taliban cho biết, các cuộc hòa đàm tại Qatar đã sẵn sàng bước sang giai đoạn tiếp theo, sau khi hai bên đạt được nhất trí về các nguyên tắc, thủ tục đàm phán liên quan đến lộ trình chính trị và một lệnh ngừng bắn toàn diện. Sự kiện này được nhận định là bước ngoặt lớn để quốc gia Tây Nam Á chấm dứt nội chiến sau gần 2 thập kỷ, mở đường cho một tiến trình hòa bình thực sự.
Hai bên bắt đầu đàm phán trực tiếp từ tháng 9 vừa qua, sau khi Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hồi tháng 2. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Afghanistan vào giữa năm 2021 trong khi Taliban đưa ra các bảo đảm về an ninh và cam kết tiến hành hòa đàm với chính quyền Kabul. Song, tại các cuộc đàm phán này, hai bên phát sinh nhiều bất đồng về chương trình nghị sự, khung thảo luận và vấn đề tôn giáo, khiến đàm phán rơi vào bế tắc.
Cụ thể, Taliban luôn yêu cầu bất kỳ hệ thống chính trị nào trong tương lai tại Afghanistan phải được điều hành theo mô hình luật pháp Hồi giáo. Đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với tiến trình hòa đàm. Taliban muốn tái định hình Afghanistan thành một tiểu vương quốc Hồi giáo, trong khi chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani mong muốn duy trì một nền cộng hòa hiến pháp có sự ủng hộ của phương Tây.
Tuy nhiên, những bế tắc trong tiến trình đàm phán đã được tháo gỡ sau vòng hòa đàm mới nhất tại Qatar những ngày đầu tháng 12, khi hai bên đạt được nhất trí về nguyên tắc đối thoại. Thỏa thuận dài 3 trang này chứng minh các bên đàm phán có thể đồng thuận về các vấn đề khó khăn. Trên mạng xã hội Twitter, Nader Nadery, thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Afghanistan khẳng định, thủ tục cho các cuộc đàm phán nội bộ của nước này đã được hoàn tất. Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah đánh giá, diễn biến này là bước đi quan trọng ban đầu.
Thực tế, cuộc chiến tàn khốc kéo dài gần 20 năm ở Afghanistan đang là “điểm nóng” gây nhức nhối cho khu vực và thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Nhân đạo quốc tế, cuộc chiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành ở Afghanistan đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, đất nước Afghanistan bị tàn phá nặng nề và hàng vạn gia đình lâm vào nghèo đói, vô gia cư, sống cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Mặt khác, diễn biến và cục diện chiến trường Afghanistan thời gian qua đã khẳng định một thực tế: Mỹ, Taliban và các bên liên quan đều không thể giải quyết xung đột ở Afghanistan bằng giải pháp quân sự, mà xung đột này chỉ có thể được thương lượng bằng giải pháp hòa bình.
Trong khi đó, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi đã hối thúc cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Afghanistan, nếu không nước này sẽ phải đối mặt với "những hậu quả thảm khốc". Theo ông F.Grandi, tương lai của hàng triệu người Afghanistan phụ thuộc vào kết quả của những cuộc đàm phán hòa bình và cam kết của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của nước này. Nếu những động thái trên không đạt kết quả, Afghanistan có thể chứng kiến những hậu quả thảm khốc, trong đó có nguy cơ di cư diễn ra trên diện rộng. Do đó, người đứng đầu UNHCR nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.
Đáng quan ngại hơn, bất chấp tiến trình hòa đàm đang diễn ra, trong những tuần gần đây, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn tại Afghanistan. Taliban liên tục tiến hành các vụ đánh bom khiến nhiều nhân viên an ninh Afghanistan và dân thường thiệt mạng.
Rõ ràng, con đường đi đến hòa bình tại quốc gia này còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, dư luận quốc tế hy vọng, các bên tại Afghanistan sẽ tận dụng cơ hội mới được hé mở để tiếp tục giải quyết mâu thuẫn, trên tinh thần nhượng bộ, cùng đặt những "viên gạch" tiếp theo trong nỗ lực xây dựng nền hòa bình lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.