(HNM) - Tham nhũng đang đốt nóng dư luận Mỹ và Afghanistan khi tờ Thời báo New York và Hãng Thông tấn Mỹ (AP) cùng một số kênh truyền thông hàng đầu của Mỹ, ngày 28-8, đồng loạt đưa tin gây sốc về Thứ trưởng Tư pháp Afghanistan Mohammad Ishaq Faqiryar bị Tổng thống Hamid Karzai cách chức vì quyết điều tra các vụ tham nhũng của giới chức cao cấp trong chính phủ.
Lực lượng Mỹ và NATO trong một cuộc tấn công vào tỉnh Khost truy quét tàn quân Taliban. |
Lý do Faqiryar bị mất chức là vì đã "trái ý" Tổng thống H. Karzai khi tiếp tục điều tra giới chức cấp cao tham nhũng. Trong "danh sách đen" có cả chức danh bộ trưởng, hàm đại sứ và tỉnh trưởng. Sau khi tin tức từ Mỹ vọng đến Kabul, Văn phòng Tổng thống Afghanistan khẳng định Tổng thống H. Karzai không hề gây trở ngại cho bất kỳ cuộc điều tra nào. Trước đó, tờ Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal (WSJ) cũng đưa tin về các khoản tiền viện trợ của Mỹ đã bị chuyển ra khỏi Afghanistan và suốt 3 năm qua, mỗi năm có khoảng hơn 1 tỷ USD bị tuồn khỏi Afghanistan. Các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ phần lớn số tiền đã bị rút ruột từ các khoản viện trợ tái thiết mà Mỹ và các đồng minh dành cho Afghanistan để giúp nước này khôi phục đất nước sau cuộc chiến năm 2001…
Một lần nữa bóng đen tham nhũng đã làm nóng chính trường quốc gia Nam Á này. Cách đây ít ngày, nó đã làm đau đầu giới chức Lầu Năm Góc, đặc biệt là khi Tướng David Petraeus thay thế Tướng Standley McChrystal tại Afghanistan. Hàng loạt động thái diễn ra sau đó cho thấy Washington đang quyết liệt xử lý tình trạng tham nhũng trong Chính phủ Afghanistan. Bằng chứng là hồi đầu tháng 7-2010, Thượng viện Mỹ đã biểu quyết cắt giảm 4 tỷ USD viện trợ cho Kabul; trong đó các khoản viện trợ quân sự và nhân đạo không bị ảnh hưởng. Dư luận Mỹ cho rằng, đã đến lúc các chi tiêu viện trợ phải được kiểm soát chặt và minh bạch; đồng thời người Mỹ không muốn tiếp tục phung phí tiền của cho cuộc chiến ở Afghanistan nữa.
Washington không thể không quan ngại tình trạng tham nhũng đang đe dọa làm suy yếu mọi nỗ lực của Mỹ ở Afghanistan; nhưng giải pháp cho vấn nạn này vẫn chưa mang đến một kết quả được công bố từ cả hai phía. Không thể chối bỏ, tham nhũng ở Afghanistan đã và đang làm xói mòn cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại đây. Tệ hại hơn, tham nhũng đang khiến một số người vừa làm việc cho chính phủ ở Kabul lại vừa ngấm ngầm câu kết với tàn quân Taliban, gây khó cho việc xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan; làm chậm tiến trình tái thiết quốc gia này. Do đó, bất chấp việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) dồn binh lực tới chiến trường Afghanistan thì qua các vụ tấn công có thể thấy đám tàn quân Taliban như đang mạnh lên. Các vụ tấn công, đánh bom liều chết nhằm thẳng vào quân Chính phủ và người nước ngoài vẫn tiếp diễn đã gây tâm lý hoang mang trong dân chúng. Đây là một cái đích mà Taliban đang hướng tới.
Mới đây, ngày 28-8, Taliban đã tấn công quy mô lớn vào hai căn cứ Salerno và Chapman của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại thành phố Khost ở miền Đông nước này. 24 phiến quân, trong đó có cả những kẻ đánh bom tự sát đã bị tiêu diệt nhưng 2 binh sĩ nước này đã tử trận và 3 người khác bị thương. Trước đó, ngày 26-8, phiến quân Taliban đã liều lĩnh tấn công một đồn cảnh sát ở tỉnh Kunduz ở miền Bắc, nơi vốn tương đối yên bình, giết hại 8 cảnh sát, bắt cóc 2 người. Trong khi đó, tại tỉnh Herat thuộc miền Tây, một số tay súng không rõ danh tính đã bắt cóc một nữ ứng cử viên Quốc hội cùng một số nhân viên vận động bầu cử...
Taliban đang mở rộng hoạt động và có vẻ mạnh lên là điều dễ nhận thấy khiến Tổng thống H. Karzai (ngày 26-8), một lần nữa kêu gọi Washington chuyển trọng tâm quân sự vào các sào huyệt của khủng bố ở bên ngoài lãnh thổ nước này với sự tiếp tay của Taliban. Ông Karzai muốn ám chỉ nước láng giềng Pakistan, nơi các quan chức Afghanistan và các tư lệnh phương Tây tin là phiến quân Taliban chọn để đặt sào huyệt của chúng.
Sự thật đang cho thấy, Mỹ và đồng minh có dồn tiền của, binh lực đến đâu đi nữa, nhưng cái gốc là nạn tham nhũng đang phủ bóng đen tại Afghanistan chưa sớm được xua tan thì thành công trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ và đồng minh đang theo đuổi sẽ trở nên mong manh tại quốc gia Nam Á này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.