(HNM) - Cuộc chia tay của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc với chính quyền sở tại ở Afghanistan (UNAMA) đã không diễn ra như kế hoạch vào ngày 31-3-2011.
Sứ mệnh trợ giúp quốc gia Nam Á trong từng nấc thang tái thiết đầy khó khăn đáng lẽ kết thúc vào cuối tháng 3 này không thể chấm dứt trước ngày 23-3-2012, theo quyết định mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Và sự tiếp tục hiện diện của hơn 1.200 nhân viên Liên hợp quốc bắt đầu từ năm 2002 được xem là tin vui với người dân Afghanistan. Bản "hợp đồng" an ninh chưa thể "thanh lý" cho thấy, thế giới chưa thể yên tâm khi để Kabul một mình đối mặt với chủ nghĩa khủng bố ngay tại nơi được xác định là hang ổ. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai xem ra vẫn đang rất cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong hành trình gian nan hướng đến nền dân chủ ổn định.
Lực lượng LHQ làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh và tái thiết tại Afghanistan. |
Hoạt động trong ba lĩnh vực chính: tái thiết, phát triển và chống buôn lậu ma túy, các thành viên UNAMA đã đóng góp những trợ giúp đáng kể cho Chính phủ Afghanistan non trẻ trong việc điều hành đất nước, xây dựng hệ thống luật pháp và nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mà nước này phải đối mặt khi xây dựng thể chế từ số 0 của thời hậu Taliban. Cho dù tiến trình chuyển giao an ninh từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang các lực lượng Afghanistan đang đến rất gần (vào tháng 7 tới), song những bất ổn an ninh gia tăng thời gian qua là cảnh báo nóng khiến dư luận cho rằng một sự chủ quan nào đó sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc mà việc sửa chữa sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Do đó, việc bố trí lực lượng UNAMA tại Afghanistan không nằm ngoài mục tiêu phòng ngừa những rủi ro nảy sinh trong quá trình để người nước này tự lãnh đạo, làm chủ và bảo vệ chính mình.
Số liệu thống kê của UNAMA vừa đưa ra càng khẳng định việc bố trí lực lượng quốc tế tại Afghanistan là cần thiết. Tính từ năm 2007, đã có 9.000 thường dân Afghanistan thiệt mạng do xung đột, trong đó riêng năm 2010 là 2.777 người, tăng 15% so với năm trước đó và là mức cao nhất trong một thập kỷ chiến tranh. Nguy hiểm hơn nữa khi mạng sống của người dân vô tội - đa số là phụ nữ, người già và trẻ em - bị cướp đi trong các vụ đánh bom tăng nhanh một cách báo động do tàn quân Taliban thực hiện, mặc dù chính quyền này đã bị sụp đổ cách đây đúng 10 năm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng thừa nhận lực lượng này và các phần tử Al Qaeda đang thoắt ẩn thoắt hiện vẫn là hiểm họa lớn nhất đối với sự bình yên của quốc gia Nam Á.
Tương lai của Afghanistan phụ thuộc vào việc xây dựng một nhà nước ổn định, an ninh, đầy đủ về kinh tế, không có khủng bố và ma túy. Nhưng, tất cả chưa cho thấy rõ những điều đó. Vì thế, sự có mặt của đội quân UNAMA chưa thể chấm dứt, như khẳng định quyết tâm tái thiết Afghanistan sau chiến tranh của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, một mái nhà vững chắc và yên ấm không chỉ có thể được xây dựng và gìn giữ bởi những nhân tố bên ngoài vốn có sự cách biệt rất lớn về văn hóa và tổ chức xã hội. Vì thế, thúc đẩy công cụ đối thoại hòa hợp dân tộc và củng cố sức mạnh nội sinh vẫn sẽ là bảo đảm lâu dài cho một ngày mai tươi sáng của người dân Afghanistan. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng để có thể tự đứng trên đôi chân của mình và đi những bước đầu tiên trên con đường phát triển, đất nước của những vùng núi đá cằn cỗi và đầy thương tích chiến tranh này sẽ phải vượt qua không ít thách thức đang còn ở phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.