(HNMO) - Ngày 20-7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống 5,8% thay vì mức 6,7% hồi tháng 4, trong bối cảnh dự báo năm 2021 của châu Á cũng tụt xuống 7,2% thay vì 7,3% trước đó.
Theo cho báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2021, nguyên nhân chính là các đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế trong khu vực. Không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), triển vọng tăng trưởng cập nhật của châu Á đang phát triển là 7,5% cho năm 2021 và 5,7% cho năm 2022, so với các con số dự báo trước đây lần lượt là 7,7% và 5,6%.
ADB đánh giá, đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng này, do các đợt bùng phát tiếp tục diễn ra ở nhiều nền kinh tế. Trong khi đó, việc triển khai vắc xin trong khu vực đang dần được đẩy mạnh, với trung bình 41,6 liều/100 người vào cuối tháng 6 - cao hơn con số trung bình toàn cầu là 39,2 liều/100 người, nhưng thấp hơn so với tỷ lệ 97,6 liều/100 người ở Hoa Kỳ và 81,8/100 liều tại Liên minh châu Âu (EU).
Triển vọng tăng trưởng của Đông Á cho năm 2021 tăng từ 7,4% hồi tháng 4 lên 7,5%, trong bối cảnh mức phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo tăng trưởng cho tiểu vùng này trong năm 2022 được giữ nguyên ở mức 5,1%. Tương tự, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng được duy trì ở mức 8,1% cho năm nay và 5,5% cho năm 2022, trong bối cảnh sự phục hồi ổn định của các ngành công nghiệp, xuất khẩu và dịch vụ.
Triển vọng tăng trưởng của năm nay cho khu vực Trung Á đã được nâng lên 3,6%, so với mức 3,4% trong dự báo hồi tháng 4. Triển vọng của Trung Á trong năm 2022 vẫn giữ nguyên ở mức 4,0%. Triển vọng cho năm 2022 được nâng từ 5,3% lên 5,4%.
Dự báo cho năm 2021 đối với các khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương bị hạ thấp, do các đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 đang được ứng phó bằng các biện pháp ngăn chặn và hạn chế, gây thiệt hại tới hoạt động kinh tế. Triển vọng tăng trưởng của Nam Á cho năm tài khóa 2021 giảm từ 9,5% xuống còn 8,9%. Dự báo cho Ấn Độ bị hạ 1%, xuống 10%. Triển vọng năm 2021 của Đông Nam Á được điều chỉnh từ 4,4% xuống còn 4,0%, trong khi dự báo cho các nền kinh tế Thái Bình Dương giảm từ 1,4% xuống còn 0,3%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của năm 2022 cho các tiểu vùng này đã tăng lần lượt lên 7,0%, 5,2% và 4,0%.
Dự báo về mức lạm phát năm nay của châu Á - Thái Bình Dương được nâng từ 2,3% hồi tháng 4 lên 2,4%, phản ánh giá dầu và giá hàng hóa gia tăng. Con số dự báo cho năm 2022 vẫn ở mức 2,7%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.