Từ những vết cháy do lửa tạo ra, Huỳnh Quốc Tuấn tạo thành bức tranh đẹp mắt. Chàng trai thường mất 8-10 tiếng để hoàn thành một tác phẩm.
Trăn trở một năm để tạo ra tranh lửa
Nghệ thuật vẽ tranh bằng lửa có nguồn gốc từ các bộ tộc du mục ở châu Phi và Ai Cập. Người họa sĩ thường đốt lửa trên bề mặt vật liệu tự nhiên, phổ biến nhất là gỗ, đá. Huỳnh Quốc Tuấn (21 tuổi, sinh viên Đại học Hutech TP HCM) hiện là một trong số ít người Việt có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này.
Tuấn cho biết, không giống như vẽ bằng chì, màu nước…, tranh lửa đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, ngọn lửa sẽ thiêu rụi hoàn toàn tác phẩm trong tích tắc.
Nam sinh TP HCM yêu thích hội họa từ nhỏ nhưng do điều kiện gia đình không cho phép, 9X không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật. Mặc dù vậy, chàng trai quyết theo đuổi đam mê của mình.
Chàng sinh viên Quốc Tuấn và tác phẩm tranh lửa độc đáo do chính anh thực hiện. Ảnh: NVCC. |
Quốc Tuấn chia sẻ, trong quá trình mày mò với những bức tranh, anh vô tình làm cháy mảnh vải, để lại nhiều vết nám trên bàn học. Từ sự cố ấy, chàng trai bắt đầu tưởng tượng ra một số hình ảnh quen thuộc trong đời sống.
Ý tưởng phút chốc lóe lên trong đầu khiến Tuấn suy nghĩ cả đêm. 9X đặt ra câu hỏi: "Liệu tranh và lửa có thể kết hợp với nhau không?". Sau gần một năm tìm tòi, Tuấn cũng thành công với suy nghĩ táo bạo của mình.
Chàng trai Sài thành cho hay: “Lần đầu thử nghiệm với bật lửa, mình làm cháy không biết bao nhiêu giấy, những nét vẽ không được mềm mại như ý muốn. Cuối cùng, mình nghiên cứu làm ra cây bút chuyên vẽ tranh lửa. Bút gồm ống chứa gas, bộ phận đánh lửa, nút hiệu chỉnh lửa lớn nhỏ".
Để giảm mức độ bắt lửa của giấy, trước khi thực hiện, Tuấn phải thấm nước lên giấy chuyên dụng, sau đó đặt nó lên tấm gỗ, vẽ các bước phác thảo. Theo chàng trai sinh năm 1994, điều quan trọng nhất làm nên thành công của bức tranh là cách điều chỉnh ngọn lửa sao cho phù hợp với từng chi tiết nhỏ nhất.
“Thời gian đầu, mình thường xuyên thất bại, do lửa to làm cháy cả bức tranh, lửa nhỏ lại không tạo ra đường nét như mong muốn. Những lúc chán nản, mình nghĩ ý tưởng này chắc không thể thực hiện được. Nhưng với niềm đam mê, thử nghiệm hết lần này đến lần khác, cuối cùng mình cũng thành công" - Tuấn nói.
Bức tranh lửa đầu tiên Tuấn hoàn thành là món quà sinh nhật cho cô bạn thân. Nhận được lời khen và sự khích lệ từ bạn, 9X ngày càng có thêm động lực, tiếp tục theo đuổi dòng tranh này.
Một bức tranh mất 8-10 tiếng
Công việc vẽ tranh lửa tiêu tốn của Quốc Tuấn khá nhiều thời gian. Nam sinh cho biết, với những bức đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, anh phải dành nửa ngày mới có thể hoàn thành. Phần lớn tác phẩm của anh đều phải vẽ đi vẽ lại ít nhất 2 lần.
“Mình cảm thấy bình yên nhất khi vẽ tranh. Ánh sáng và xúc cảm từ lửa luôn mang đến những sáng tạo vô hạn. Nhiều lần, mình đã thức trắng trong hạnh phúc để thực hiện một bản vẽ” - 9X tâm sự.
Bức tranh chú báo oai nghiêm được Tuấn hoàn thành sau 10 tiếng. Ảnh: NVCC. |
Việc đùa với lửa chưa bao giờ là dễ dàng. Quốc Tuấn từng không ít lần gặp tai nạn khi theo đuổi dòng tranh này.
Anh kể lại: “Những vết bỏng, cháy da do vẽ tranh lửa ngày càng nhiều trên đôi tay mình. Tuy nhiên, mình lại thích thú, tự hào về điều này. Chúng như nhắc nhở mình về khoảng thời gian được sống và làm việc với đam mê”.
Có lần, khi đang tỉ mẩn với một tác phẩm, chàng trai sinh năm 1994 bất ngờ nghe điện thoại. Trong tích tắc, bức tranh bị cháy đen, không thể vẽ tiếp. Từ đó, Tuấn tập dần cho mình khả năng tập trung cao độ, vẽ ở môi trường yên tĩnh.
Nam sinh chia sẻ, anh đặc biệt yêu thích bức chú báo với thần thái oai nghiêm của mình. Tác phẩm này anh hoàn thành trong suốt 10 tiếng không ăn, không ngủ. Dù mệt, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc với thành quả lao động này.
Ngoài dòng tranh lửa, Quốc Tuấn còn có đam mê với nhiều chất liệu khác như chì, màu nước, lụa…Đến nay, số tác phẩm của Tuấn đã lên tới hàng trăm bức. Tuy nhiên, chàng trai chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mang đi dự thi hay kinh doanh.
Hiện tại, Tuấn bắt tay nghiên cứu, mở rộng dòng tranh này. Anh mong muốn một ngày nào đó sẽ tìm ra cách đưa màu sắc vào một bức tranh lửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.