(HNMO) - 9 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố xảy ra 626 vụ cháy, làm chết 18 người, thiệt hại hơn 400 tỷ đồng và 55 ha rừng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC
Đây là nội dung báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về “Tình hình, kết quả công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố trong tình hình mới” được Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội trình bày tại hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2017.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội. |
So với cùng kỳ năm 2016, toàn thành phố đã tăng 4 vụ cháy; tăng 14 người chết, giảm 6 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã trực tiếp tham gia CNCH 43 vụ, cứu được 35 người. Đáng chú ý, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại cơ sở sản xuất Sôcôla kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29-7-2017 làm 8 người chết. Rạng sáng nay (25-9), tiếp tục xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ làm 2 người chết.
Trước tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, đơn vị tăng cường công tác PCCC. Với quan điểm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và người dân, thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân vào cuộc; lấy phòng ngừa là chính; tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi trọng phương châm “4 tại chỗ”; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn PCCC theo pháp luật.
UBND thành phố đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã điều tra, thống kê toàn bộ các nhà chung cư cao tầng xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép không đảm bảo yêu cầu về PCCC... Thành phố đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến này, đã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC; còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Các cơ quan thành phố đã rà soát toàn bộ các địa điểm không an toàn về PCCC, có thể xảy ra cháy, nổ, bao gồm: 15 trung tâm thương mại; 56 nhà hàng; 842 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi tập trung đông người, karaoke, vũ trường; 613 trường học; 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 553 cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng; 915 cơ sở sản xuất... Đồng thời đã rà soát thống kê 321 chung cư cũ, được xây dựng từ trước năm 1990, đa số đã hết hạn sử dụng, xuống cấp. Các chung cư này hầu hết không được đầu tư trang bị phương tiện PCCC, các điều kiện thoát nạn, ngăn cháy không đảm bảo, tự ý cơi nới, lắp thêm "chuồng cọp"...
Từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã thanh tra, kiểm tra, phúc tra 32.089 lượt cơ sở; phát hiện và yêu cầu khắc phục 92.540 tồn tại, thiếu sót về PCCC; xử phạt vi phạm hành chính 3.139 trường hợp, với số tiền gần 10 tỷ đồng; tạm đình chỉ 502 lượt cơ sở, đình chỉ hoạt động 175 lượt cơ sở. Riêng các cơ sở kinh doanh karaoke, từ đầu năm 2017 đến nay đã xử phạt 262 trường hợp, với số tiền 473,3 triệu đồng; tạm đình chỉ 320 cơ sở, đình chỉ hoạt động 20 cơ sở/1.810 cơ sở (trong đó có 833 cơ sở đang hoạt động).
Dự báo cháy tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường
Bên cạnh ưu điểm, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng chỉ rõ 5 nhóm tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH. Trong đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU và Kế hoạch số 174-KH/TU của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 128/KH-UBND của UBND thành phố mặc dù đã được các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có kế hoạch triển khai thực hiện, tuy nhiên việc kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết định kỳ còn có nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, nhất là ở cơ sở phường, xã, thị trấn.
Nội dung tuyên truyền về PCCC chưa đến được hết các cơ sở, các khu dân cư, hộ gia đình và từng người dân, nên mức độ chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu và người dân về công tác tự phòng ngừa vẫn chưa cao, còn lơ là, chủ quan. Việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính chất đối phó; vẫn còn nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, chậm khắc phục kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC...
Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC mới chỉ dừng ở bề nổi, chưa có những mô hình nổi bật để nhân rộng. Việc xây dựng lực lượng PCCC ở cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; hoạt động còn mang tính hình thức.
Tính đến 15-5-2017, địa bàn thành phố có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đặc biệt, Hà Nội hiện có khoảng 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bịt kín, không bảo đảm lối thoát nạn...
Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, tình hình cháy trong thời gian tới sẽ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường; tập trung vào các loại hình như: nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ; nhà ống; kho xưởng sản xuất... Đây là các loại hình chứa nhiều chất cháy và có nhiều tồn tại trong công tác PCCC.
Tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại các chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống trong ngõ sâu, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, quán bar, vũ trường…), nơi dựng biển, bảng quảng cáo, làm lưới sắt, “chuồng cọp” bịt kín lối thoát nạn gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC
Để kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, Ban Cán sự đảng UBND thành phố xác định 9 nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố theo nội dung các chương trình, kế hoạch đã đề ra, trọng tâm là: Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 7-8-2017 của UBND thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực; Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 18-9-2017 của UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra, rà soát công tác PCCC nhà ở, hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư.
Các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ; tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về PCCC; tăng cường phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn đối với cơ quan, trường học, tổ chức, hộ gia đình và người dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC.
Các lực lượng tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về an toàn PCCC, đặc biệt tập trung vào các cơ sở: Chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí tập trung đông người, chung cư, nhà cao tầng, khu dân cư có nguy cơ cháy cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, các cơ sở kinh doanh hóa chất, cơ sở xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)... Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH nhằm hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra; tổ chức xây dựng phương án, diễn tập xử lý những tình huống chữa cháy và CNCH phức tạp, nhất là những cơ sở trọng điểm, công trình đặc thù. Thành phố sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện việc sáp nhập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn thành phố để thành lập Ban Chỉ huy mới, trong đó tên gọi và nội dung nhiệm vụ ngoài công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cần thể hiện rõ cả công tác PCCC đảm bảo phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đảm bảo đúng quy chuẩn an toàn về PCCC và CNCH, trong đó ưu tiên trang bị, ứng dụng công nghệ cảnh báo khói, báo cháy, thoát nạn, thoát hiểm... tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cao.
Xây dựng lực lượng PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 17-2-2016 của UBND thành phố về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Chủ tịch phường, xã còn nói trách nhiệm PCCC là của cảnh sát” Thảo luận tại hội nghị, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nhận định, sau khi HĐND thành phố giám sát, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, các sở, ngành đã vào cuộc trong công tác PCCC. Tuy nhiên, từ các vụ cháy vừa qua cho thấy, nguyên nhân xảy ra cháy không chỉ vì ý thức của doanh nghiệp mà còn vì ý thức của người dân, nhất là kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm của người dân rất yếu. Công tác tuyên truyền mới tập trung chủ yếu ở bề rộng, trong khi việc phối hợp kiểm tra chưa tốt, còn tình trạng buông lỏng. “Tôi hỏi về trách nhiệm PCCC, có đồng chí chủ tịch UBND phường, xã còn nói PCCC là của cảnh sát. Theo tôi như thế là không được. Trách nhiệm của chủ tịch UBDN phường, xã là phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công tác PCCC trên địa bàn” - Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố nói. Hiền Lương |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.