Thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB trung ương, tính đến 16h chiều 29-10, bão số 8 đã làm 3 người chết, 5 người mất tích và bị thương 13 người; gần 25.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại nặng; hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc tại TP Nam Định bị bão quật đổ.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Tại TP Hải Phòng, do ảnh hưởng của bão, ngày 28-10 đã xảy ra sự cố trên giàn khoan GSF Key Hawai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm 35 người (trong đó có 14 người nước ngoài) bị mắc kẹt do giàn khoan đứt dây kéo. TP Hải Phòng đã điều tàu ra cứu nạn nhưng vì sóng gió quá to không thể tiếp cận giàn khoan. Đến sáng 29-10, Tổng Công ty Bay Việt Nam đã điều động 2 máy bay trực thăng bay đến Hải Phòng tiến hành cứu hộ, đến trưa 29-10 đã đưa toàn bộ số người trên giàn khoan về sân bay Cát Bi an toàn. Tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) có 11 người bị sóng biển cuốn trôi, lực lượng cứu hộ cứu được 7 người và vớt được 1 thi thể phụ nữ, 3 người khác vẫn mất tích. Cũng tại huyện Cái Hải, một tàu du lịch, hai tàu đánh cá, một tàu dịch vụ và 15 thuyền nan bị đắm, 26 lồng bè nuôi hải sản bị hư hỏng, sóng lớn làm sạt 3km đê biển, nhiều điểm kè chắn sóng bị hư hại; 100 nhà bị tốc mái, 2 trường học và 30 kho muối của dân bị hư hại. Tại vịnh Cát Bà, một tàu chở quặng neo tại vịnh bị sóng đánh chìm, trên tàu có 5 người, 4 người đã được cứu vớt, 1 người hiện vẫn mất tích; ngoài ra có 5 bè dịch vụ với 15 người bị trôi dạt tại khu vực hòn Cát Ông đã được lực lượng quân sự đưa vào vịnh Cát Bà an toàn. Trong ngày 29-10, ngay sau khi bão tan, TP Hải Phòng đã huy động 1.365 cán bộ chiến sỹ với 15 tàu xuồng các loại phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Tổng thiệt hại do bão số 8 gây ra trên địa bàn Hải Phòng ước khoảng 400 tỷ đồng.
Tại 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, công tác thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả vẫn gặp nhiều trở ngại. Hàng trăm ngôi nhà vùng ven biển bị tốc mái, đổ sập, cây cối gãy đổ. Theo Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Nam Định, bão đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương. Có 3 vị trí đê kè bị sụt lún diện tích khoảng 200m2 ở huyện Hải Hậu. Toàn tỉnh có hơn 5.800ha lúa mùa và hơn 12.800ha cây vụ đông bị đổ, ngập úng; 600 chòi canh, khoảng 700ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại. Hệ thống điện của tỉnh bị tàn phá nặng nề, 500 cột điện cao thế, 5.000 cột hạ thế bị đổ, nghiêng, nhiều tuyến đường dây hư hỏng, 31 cột thu phát sóng bị đổ, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng nghìn cột treo cáp bị đổ gãy. Đặc biệt, bão số 8 đã làm đổ tháp truyền hình cao 180 mét ở trung tâm TP Nam Định. Ước tính thiệt hại ban đầu của toàn tỉnh khoảng trên 870 tỷ đồng. Tại tỉnh Thái Bình, đêm 28-10, bão kèm mưa to đến rất to với lượng mưa trung bình trên 400mm, sức gió cấp 11 giật cấp 14 đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thái Bình. Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCLB, mưa bão đã làm toàn bộ diện tích vụ đông và rau màu bị hư hỏng. Toàn tỉnh vẫn bị mất điện, đến chiều tối 29-10, việc thông tin liên lạc trên địa bàn các huyện vẫn rất khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.