Theo dõi Báo Hànộimới trên

8 năm chờ một con đường

Thiện Mỹ| 14/04/2011 07:06

(HNM) - Giờ vào lớp và tan học của 3 trường: Mầm non Tuổi Hoa, Tiểu học Đặng Trần Côn B và THCS Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) có gần 3.000 học sinh, lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh cho cả thầy trò và người dân khu vực.

Để đến được trường học, các cháu phải đi qua con ngõ chỉ rộng hơn 1m và xuyên qua hai dãy nhà. Vào ngày mưa, học sinh phải lội nước bì bõm tại một đoạn đường trước cổng trường, vì hệ thống cống thoát nước không còn tác dụng. Một người dân địa phương phàn nàn: Cái ngõ này có từ trước khi các trường học được xây dựng. Sau khi ba trường đi vào hoạt động (năm 2003), một số hộ dân đã mở thêm nhiều hàng quán nên đường vào trường càng thu hẹp lại. Hơn nữa, toàn bộ không gian ở ngõ này đã bị các hộ chiếm dụng nên ngõ lúc nào cũng tối tăm, nhếch nhác…

Bà Ngô Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B bức xúc: "Trường thuộc sự quản lý hành chính của phường Thanh Xuân Nam, nhưng bao quanh là các tổ dân phố 56, 57, 58 của xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Theo quy hoạch ban đầu, đường vào trường là đường đấu nối với đường Nguyễn Xiển (đường Vành đai 3) nên hiện nay cổng chính và phòng bảo vệ của trường vẫn đang phải khóa để… chờ thông đường. Để giảm ùn tắc giao thông, các trường còn phải thỏa thuận, bố trí lệch giờ vào lớp và giờ tan học, UBND phường sở tại cũng phải tổ chức lực lượng phân luồng đường. Tuy nhiên, có khá nhiều người không biết vẫn đi vào đường ngược chiều, tránh nhau trong ngõ không được, càng ùn tắc. Ban giám hiệu và đại diện Hội PHHS của ba trường đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tìm giải pháp, song đến nay cũng chưa có thay đổi tích cực nào".

Lý giải về vấn đề trên, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Năm 2002, UBND thành phố Hà Nội giao quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư thực hiện dự án làm đường vào cụm 3 trường. Theo khảo sát của UBND quận, tuyến đường dài khoảng 1,9km và liên quan đến việc GPMB của hơn 300 hộ dân. Do gặp trở ngại về quỹ nhà tái định cư, chi phí cho công tác GPMB và ngân sách nhà nước khó bảo đảm nên đến cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2092, chấp thuận chủ trương đầu tư đường vào 3 trường theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) và áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu. Theo đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông là chủ đầu tư và đến nay dự án đã được trình UBND quận Thanh Xuân. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND quận đã dành quỹ đất đối ứng cho nhà thầu, song dự án hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và chờ phê duyệt quỹ đất đối ứng của cấp thẩm quyền.

Đề nghị chính quyền địa phương và các bên liên quan cần đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường, để bảo đảm an toàn, thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 năm chờ một con đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.