Theo dõi Báo Hànộimới trên

70 năm phát triển cùng đất nước

Khuất Văn Thành| 27/08/2015 06:15

(HNM) - Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo thành lập 13 bộ, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ LĐ-TB&XH ngày nay.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành LĐ-TB&XH Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách của mình qua mỗi thời kỳ cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Cùng với sự phát triển chung của toàn ngành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng không ngừng phát triển về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy. 70 năm qua, ngành LĐ-TB&XH Thủ đô đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau: Phòng Lao động, Ty Thương binh cựu binh, Ty Lao động, Ty Thương binh - Xã hội. Năm 1989, ba đơn vị: Sở Lao động, Sở Thương binh - Xã hội và Ban Kinh tế mới được hợp nhất thành Sở LĐ-TB&XH. Năm 2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ của Quốc hội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Sở LĐ-TB&XH Hà Tây được hợp nhất thành Sở LĐ-TB&XH Hà Nội ngày nay.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành làm việc với Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 2.


Với chức năng, nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và Bộ LĐ-TB&XH giao, trong nhiều năm qua, tập thể lãnh đạo Sở và cán bộ, công chức, viên chức đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động - người có công và xã hội. Có thể khẳng định, nhiệm vụ thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng được ngành coi là nhiệm vụ ưu tiên số một. Vì vậy, ngành đã chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo thực hiện chủ trương xã hội hóa sâu rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, chung sức góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng. Trong 5 năm gần đây, toàn thành phố đã huy động quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được trên 151 tỷ đồng; xây mới gần 2.000 ngôi nhà tình nghĩa với kinh phí gần 70 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa 2.008 nhà với kinh phí gần 40 tỷ đồng; tặng gần 30.000 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 21 tỷ đồng; tu sửa 237 nghĩa trang liệt sĩ, 412 bia, đài tưởng niệm liệt sĩ; điều dưỡng luân phiên gần 170.000 lượt người có công với cách mạng. Hiện tại, 100% số hộ gia đình chính sách đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội cũng có nhiều điểm nhấn mới với các chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2014, toàn thành phố giảm được trên 110.000 lượt hộ nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 7,25% vào đầu năm 2011, xuống còn 1,91% (tương đương 34.409 hộ nghèo) vào cuối năm 2014, về đích trước một năm so với mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2011-2015. Để giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH thành phố kiên trì thực hiện chính sách về lao động, giải quyết việc làm: Hằng năm giải quyết việc làm cho từ 135.000 đến 140.000 lao động. Sở cũng tham mưu triển khai có hiệu quả các dự án vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nếu như năm 2008 số kinh phí cho vay từ nguồn quỹ là 135 tỷ đồng, thì năm 2014 số kinh phí đó đã tăng lên 531 tỷ đồng, giúp mỗi năm tạo việc làm cho từ 25.000 đến 30.000 lao động.

Ngoài tạo nguồn vốn để các hộ dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, Sở còn đặt trọng tâm vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động bằng việc xây dựng, phát triển các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn thành phố. Nếu như năm 1990 trên địa bàn thành phố chỉ có 24 cơ sở dạy nghề, đến cuối năm 2014 số cơ sở dạy nghề lên tới 316 cơ sở, với 99 cơ sở công lập và 217 cơ sở ngoài công lập. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề qua các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch: Năm 2000, đào tạo nghề cho 55.000 lượt người, đến năm 2014 đào tạo nghề cho gần 150.000 lượt người. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cũng có nhiều chuyển biến: Giai đoạn 2010-2014 đào tạo cho trên 107.000 lượt người, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%...

Không chỉ đi tiên phong trong các lĩnh vực công tác mang tính đặc thù, truyền thống của ngành, từ năm 2010, Sở được giao thêm nhiệm vụ công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ. Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân Thủ đô về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, từng bước giảm dần khoảng cách bất bình đẳng giới, 5 năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn thành phố với trên 5.000 lượt người tham dự. Hằng năm, Sở cũng phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tập huấn cho trên 400 nữ đại biểu HĐND các cấp, nữ lãnh đạo quản lý cấp thành phố và cấp huyện; triển khai xây dựng 4 mô hình điểm về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại 4 xã khó khăn trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, với nhiệm vụ được giao thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và tổ chức cai nghiện, phục hồi cho đối tượng nghiện ma túy, Sở đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trên, điều đó được khẳng định qua các con số ấn tượng: Trong 5 năm gần đây đã thực hiện cai nghiện cho gần 19.000 đối tượng, trong đó cai bắt buộc trên 12.000 người, cai tự nguyện trên 6.000 người. 100% Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội đã tổ chức quản lý cai, chữa trị cho học viên gắn với dạy nghề, lao động sản xuất theo đúng quy trình 5 giai đoạn được quy định. Chất lượng quản lý, chữa trị cho học viên nghiện ma túy và gái mại dâm tại các trung tâm được nâng lên rõ rệt. Có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào việc ổn định trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô; trở thành mô hình điểm được các địa phương trên cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mô hình thí điểm cai tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục - Lao động - Xã hội số V đang được đông đảo nhân dân ủng hộ và đánh giá cao. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng được ngành thường xuyên quan tâm: Luôn coi trọng công tác tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em với nhiều hình thức phong phú, thiết thực; bảo đảm 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và trợ giúp bằng nhiều hình thức.

Với những kết quả đạt được nêu trên, năm 2010, ngành LĐ-TB&XH Thủ đô đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2); liên tục trong 5 năm gần đây được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ LĐ-TB&XH cùng nhiều bằng khen trong các lĩnh vực công tác của ngành. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được tặng thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Nhà nước và thành phố. Đã có hàng trăm cá nhân được Bộ tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội", hàng nghìn cán bộ được công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" trên 300 cá nhân được công nhận danh hiệu "Người tốt - việc tốt" và nhiều hình thức khen thưởng khác. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành, Sở LĐ-TB&XH đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2).

Với truyền thống 70 năm, ngành LĐ-TB&XH Thủ đô tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được; đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 và những năm tiếp theo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
70 năm phát triển cùng đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.