Theo dõi Báo Hànộimới trên

68 mùa thu phát triển thần kỳ

TS.KTS Vũ Hoài Ðức| 15/10/2022 06:05

(HNNN) - Cứ mỗi độ thu về là các thế hệ người Hà Nội lại bồi hồi nhớ lại ngày 10-10-1954 lịch sử, ngày Thủ đô được giải phóng. 68 mùa thu Hà Nội dựng xây và phát triển không ngừng nghỉ, vượt qua “mưa bom bão đạn” và muôn vàn khó khăn, để đến hôm nay, chúng ta có quyền tự hào rằng Thủ đô của cả nước đã to đẹp hơn, đàng hoàng hơn xưa.

Hà Nội ngày càng hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Lê Việt Khánh

Những thành quả đáng tự hào

So với 5,3 vạn dân vào năm 1954, Thủ đô Hà Nội hôm nay có quy mô dân số lớn gấp hơn 150 lần và rộng gấp 22 lần ngày tiếp quản. Từ vùng đất “trong sông” đến thành phố trải dài hai bên bờ sông Hồng, từ Hà Đông đến xứ Đoài, từ vùng núi Cha (Ba Vì) đến núi Mẹ (Tam Đảo), từ 36 phố phường nay là 579 xã, phường, thị trấn với 1.350 làng, phố. Từ chỗ chỉ có duy nhất một cây cầu qua sông Hồng, giờ đây Thủ đô có 9 cây cầu trải dọc từ Văn Lang đến Thanh Trì. Người Hà Nội giờ đây có thể đến với những nơi xa xôi cả ở trong nước và ra nước ngoài trên những chiếc máy bay hiện đại, điều chỉ là mơ ước xa vời ở thời thuộc địa. Những chuyến tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông hằng ngày vận chuyển hàng vạn lượt hành khách dọc theo những khu đô thị mới, trường đại học...

Hàng trăm khu đô thị mới khang trang, những không gian chức năng hiện đại mới xuất hiện trên không gian rộng lớn của Hà Nội. Đặc biệt, Thủ đô đã và đang trở thành “Thành phố sáng tạo”, tạo sức hút cho phát triển du lịch không chỉ bởi cội nguồn văn hóa đậm đặc lan tỏa từ những di sản khảo cổ ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và hơn 6.000 di tích, danh lam, thắng cảnh khác, mà còn bởi những địa danh gây ấn tượng sâu đậm với khách du lịch, như Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận, Con đường gốm sứ ven sông Hồng, Không gian bích họa Phùng Hưng hay Dự án nghệ thuật Phúc Tân... Đó là những con số biết nói, những hình ảnh hàm chứa thông điệp đầy sức nặng về thành tựu kiến thiết đáng tự hào của Thủ đô. Những hình ảnh ấy còn cho thấy nỗ lực không ngừng của các thế hệ người Hà Nội trong suốt 68 năm qua.

Vượt khó, tạo nền móng đổi thay toàn diện

Nhìn lại lịch sử chưa xa, có thể nhận thấy, từ Ngày Giải phóng Thủ đô đến khi Hà Nội bước vào thời kỳ Đổi mới, quy hoạch - xây dựng và kiến trúc ở Thủ đô ghi dấu ấn sâu đậm của một thế hệ vượt qua chiến tranh, bao vây cấm vận, tạo lập tiền đề cho sự đổi thay huy hoàng của ngày hôm nay. Có lẽ, tinh thần của thời đại vô cùng gian nan mà quả cảm đã được thế hệ đương thời truyền tải vào những công trình xây dựng thời kỳ này. Đây là đặc điểm quan trọng khiến kiến trúc - đô thị trong giai đoạn đầy gian khó ở Thủ đô khác biệt với tất cả các thời kỳ trước đây. Giai đoạn này, Hà Nội hướng đến lợi ích “trăm năm trồng người”. Tất cả các trường đại học lớn được xây dựng tập trung trên mảnh đất có truyền thống hiếu học, để Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục lớn nhất ở Việt Nam.

Những bệnh viện quy mô lớn được xây dựng nhiều hơn hẳn thời thuộc địa, như Bạch Mai, Nhi Việt Nam - Thụy Điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương), Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện E... Những cơ sở hạ tầng dành cho nghiên cứu khoa học - điều chưa từng có trước đây - đã xuất hiện ở khu vực Nghĩa Đô (nay thuộc quận Cầu Giấy)... Và, đặc biệt là các khu nhà ở hướng đến nhu cầu của quảng đại nhân dân với mô hình quy hoạch kiến trúc dạng tiểu khu... Tất cả không chỉ biểu hiện trọn vẹn cho những giá trị cốt lõi của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà còn khẳng định vị thế của một nhà nước độc lập, một thời đại mang tên “Hồ Chí Minh”.

Rất nhiều nhận định thú vị được đặt ra với kết quả phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn này. Một đặc điểm dễ nhận thấy của những công trình xây dựng thời kỳ này ở Thủ đô là sự thoát ly hoàn toàn khỏi trào lưu kiến trúc trang trí nghệ thuật châu Âu sang phong cách mang xu hướng hiện đại. Những kiến trúc có hình khối kỷ hà, cô đọng và tối giản như ở các công trình trường học mà tiêu biểu là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Thủy lợi, trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các khu nhà ở như Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Xuân... Phong cách kiến trúc, quy hoạch ẩn chứa sự khúc triết, nhiều hàm ý hiện hình khiêm tốn trong không gian đô thị Hà Nội rộng lớn hôm nay.

Ngày nay, trong trào lưu của toàn cầu hóa, khi mà kiến trúc đô thị ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có sự tương đồng nhất định trong phong cách, ngôn ngữ và cả cách thức sử dụng vật liệu, chúng ta mới định hình và thấu hiểu được những giá trị lịch sử riêng có của thời kỳ này, thời kỳ ghi dấu sự tiếp dẫn kiến trúc hiện đại của thế giới vào Thủ đô nhờ sự sáng tạo của những người tiên phong thầm lặng.

Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Minh

Bước chuyển tiếp thần kỳ

Có lẽ ít ai nhận ra những nỗ lực của Thủ đô trong xây dựng và phát triển ở thập niên đầu của thời kỳ Đổi mới, bởi 10 năm là quãng thời gian quá ngắn trong lịch sử. Cũng có thể bởi sự phát triển đột khởi của Hà Nội hơn 20 năm sau. Những khu xây dựng theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã thay thế cho hình thức Nhà nước làm toàn bộ. Nhiều khu xây dựng kiểu phân lô đã hình thành ở Nam Thành Công, Hoàng Cầu, Vĩnh Phúc... Mô hình này nhanh chóng được thay thế bởi sự phát triển các khu đô thị mới theo phương thức kinh doanh nhà với sự xuất hiện của các công trình cao tầng do các tập đoàn xây dựng thực hiện.

Thủ đô nhanh chóng chuyển mình với sự tham gia đa dạng của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước ở lĩnh vực phát triển đô thị. Những Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Sài Đồng B, Sóc Sơn, Khu chế xuất Nội Bài... đã góp phần tạo nên làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử phát triển của Thủ đô. Từ chỗ xây dựng các khu đô thị theo cấu trúc đơn vị ở - kế thừa từ mô hình tiểu khu với sự sáng tạo theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình kiến trúc có xu hướng đại chúng tại Định Công, Linh Đàm, Mỹ Đình..., giờ đây, các khu đô thị ở Thủ đô hiện đại, hướng đến thẩm mỹ đa phong cách và tiện ích cao hơn rất nhiều. Những khu đô thị với một hệ sinh thái hoàn thiện được kết nối liên hoàn, liên vùng, đang tạo nên một xu thế hoàn toàn mới. Quy hoạch và kiến trúc đang ở thời khắc phản ánh bước hội nhập sâu sắc với thế giới.

Vượt qua bao khó khăn, có lẽ bởi có sẵn cái “gen” vượt khó bằng sức sáng tạo của riêng mình, nên trong khi thế giới đang chịu những hậu quả của suy thoái kinh tế bởi “di chứng” của đại dịch Covid-19 và hệ lụy của những xung đột địa chính trị, Hà Nội vẫn từng ngày trở thành trung tâm kiến tạo động lực cho sự phát triển. Những dự án thành phố thông minh ở Nam Từ Liêm, Bắc sông Hồng hay trung tâm nghiên cứu chuyển giao của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung ở Thủ đô là tín hiệu khởi đầu cho một kỷ nguyên mới: Đô thị phát triển thông minh - bền vững, một Thành phố sáng tạo, bình yên, đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
68 mùa thu phát triển thần kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.