(HNM) - Dự án Phát triển nguồn nhân lực ATGT (TRAHUD) triển khai tại Hà Nội trong giai đoạn 2006-2009 cho thấy những kết quả tích cực, góp phần to lớn vào mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT). Dự kiến, 66 triệu USD (tương đương 1.213 tỷ đồng) sẽ tiếp tục được
Nút giao thông Trần Khát Chân tiếp tục được cải tạo, nâng cấp trong thời gian tới. |
Mục tiêu hướng tới
Đánh giá về kết quả của dự án trong 4 năm (2006-2009), ông Takagi Michimasa (cố vấn trưởng dự án TRAHUD) cho rằng, điều quan trọng nhất là số lượng vụ TNGT cũng như số người chết và bị thương đã liên tục giảm theo từng năm. Năm 2009, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.207 vụ TNGT, làm 865 người chết và 531 người bị thương, so với năm 2008 đã giảm được 1,1% vụ tai nạn, 0,35% số người chết. Chính quyền TP Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực nhằm khắc phục vấn đề xã hội nghiêm trọng này. Một số biện pháp đã tỏ ra đặc biệt có hiệu quả như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, phân làn tách dòng phương tiện…
Kết quả trên chính là cơ sở để Hà Nội tiếp tục phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai giai đoạn II (trong các năm 2011-2015). Một bản kế hoạch chi tiết cho giai đoạn này đã được các chuyên gia JICA soạn thảo, khoảng 66 triệu USD (tương đương với 1.213 tỷ đồng) sẽ được đầu tư nhằm tạo thói quen tuân thủ luật lệ cho mọi người dân khi tham gia giao thông (trên 90% người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy), giảm 7% số vụ TNGT và số người chết vì TNGT, nâng cao năng lực và chức năng của các tổ chức liên quan tới công tác ATGT.
Cũng theo ông Takagi Michimasa, khoản kinh phí này sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Cải tạo 75 nút giao thông trong 5 năm (mỗi năm từ 15-20 nút) với chi phí khoảng 67,5 tỷ đồng. Trước mắt, năm 2011 sẽ cải tạo các nút: Trần Khát Chân - Lò Đúc - Kim Ngưu, Trần Khát Chân - Phố Huế - Đại Cồ Việt, Xã Đàn - Ô Chợ Dừa, La Thành - Giảng Võ - Láng Hạ, Bưởi - Đào Tấn, Bưởi - Hoàng Quốc Việt, Nghi Tàm - Thanh Niên… Cải tạo hạ tầng cho người đi bộ tại 34 điểm trên tuyến quốc lộ 6 (đoạn từ Ba La đến Ngã Tư Sở) và tại 29 điểm trên tuyến quốc lộ 1A cũ (đoạn từ Châu Can đến Pháp Vân). Chi phí duy tu, sơn kẻ, bổ sung biển báo giao thông, đèn chiếu sáng và lắp đặt 4 cây cầu cho người đi bộ vào khoảng 14,35 tỷ đồng. Khoảng 64 tỷ đồng để khảo sát, cải tạo 1.000 điểm hạ tầng phục vụ xe buýt; 211,85 tỷ đồng nhằm tăng cường năng lực trung tâm điều khiển giao thông. Cùng với đó là hàng ngàn tỷ đồng chi phí cho công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý, cưỡng chế vi phạm…
Những băn khoăn và giải pháp?
Về những kết quả dự án TRAHUD đã đạt được trong giai đoạn 2006-2009, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc (Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội) băn khoăn, số vụ TNGT tuy đã giảm nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao. Hiện trạng giao thông Thủ đô còn rất phức tạp. Đường sá chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó còn không ít trường hợp chống lại người thi hành công vụ. Thực tế cho thấy, một số tuyến đường đã thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện nhưng chỉ được thời gian đầu sau lại đâu vào đấy. Người dân chỉ chấp hành khi thấy CSGT, Thanh tra GTVT làm nhiệm vụ. Do đó, cùng với đẩy mạnh cải tạo hạ tầng, nâng cao năng lực công tác cưỡng chế, xử lý vi phạm, dự án TRAHUD trong giai đoạn 2011-2015 phải có thêm các phương án phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm.
Để hiệu quả của dự án trong giai đoạn 2011-2015 được bền vững, toàn TP cần có những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ; nghiên cứu nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. TP cần khẩn trương đầu tư tạo dựng những tuyến vỉa hè và tuyến buýt mẫu, đầu tiên là khu vực hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố lân cận như Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu. Cải tạo 75 điểm nút giao thông, trong đó sớm giải quyết 20 điểm đen. Có phương án phân làn phương tiện giao thông cho phù hợp với cơ sở hạ tầng, tập trung vào 7 tuyến, bao gồm: Bắc Thăng Long - Nội Bài - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Kim Mã, Giải Phóng - Lê Duẩn (từ Pháp Vân tới Cửa Nam), Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Phố Huế - Hàng Bài - xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Bà Triệu, Trần Phú - Nguyễn Trãi (quốc lộ 6).
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm và nổi tại khu vực phố Trần Nhân Tông, Dịch Vọng, Mỹ Đình. Có biện pháp kiểm soát khí thải, coi đây là giải pháp để hạn chế phương tiện và bảo đảm môi trường. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sớm có kế hoạch điều chỉnh phương tiện để phù hợp với điều kiện hạ tầng. Trong khu vực 4 quận nội thành cũ chỉ nên sử dụng các loại xe dưới 45 chỗ ngồi. Đồng thời cải tạo, nâng sức chứa của xe buýt để phục vụ hành khách trên các tuyến đường vành đai, đường tới các khu vực Hà Nội mở rộng. Ngay trong tháng 3-2010, chuyên gia JICA và các sở, ngành liên quan tập trung hoàn tất bản đề án kế hoạch hoạt động ATGT giai đoạn 2011-2015 để trình UBND TP phê duyệt trong tháng 4-2010 làm cơ sở triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.