Theo dõi Báo Hànộimới trên

630 tỷ đồng xây hai cầu nối các quận phía Đông TP HCM

Theo Hữu Công/VnExpress| 15/10/2015 13:16

Công trình giúp các xe trên tuyến đường song hành Xa Lộ Hà Nội không phải đi qua cầu Rạch Chiếc như hiện nay, bảo đảm an toàn giao thông và thuận lợi hơn.

Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) kiến nghị Sở Giao thông Vận tải cho phép xây hai cầu bắc qua Rạch Chiếc, nối các tuyến đường song hành từ quận 2 sang quận 9 và Thủ Đức. Hai công trình này sẽ được bổ sung vào dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội. Mục tiêu nhằm tạo thuận lợi và an toàn cho các xe trên các tuyến đường song hành, vì có thể chạy tách biệt với các xe chạy trên phần đường chính khi qua cầu Rạch Chiếc.

Khi hai cầu mới hoàn thành, các xe trên đường song hành không phải đi qua cầu Rạch Chiếc như hiện nay. Ảnh minh họa: Hữu Công


Theo đó, cầu bắc qua Rạch Chiếc nối các tuyến đường song hành bên phải (quận 2 sang quận 9) dài hơn 430 m, rộng 14,5 m với tổng mức đầu tư 311 tỷ đồng. Vị trí dự kiến nằm giữa cầu Rạch Chiếc hiện hữu và đường điện cao thế 110kV. Tim cầu cách đường song hành bên phải khoảng 35 m về phía trục đường chính Xa Lộ Hà Nội.

Đối với cầu bắc qua Rạch Chiếc nối các tuyến đường song hành bên trái (từ quận 2 sang Thủ Đức) có thiết kế tương tự, tổng mức đầu tư 319 tỷ đồng. Vị trí cầu dự kiến nằm ngoài phạm vi ranh giải phóng mặt bằng của dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội. Tim cầu cách đường song hành bên trái khoảng 28 m, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 2,8 hecta.

Trước mắt, CII đề nghị được xây dựng cầu bên phải trước nhằm giải quyết nhu cầu giao thông ngày càng tăng từ khu vực cảng Cát Lái, Liên tỉnh lộ 25B, Mai Chí Thọ qua cầu Rạch Chiếc. Cầu còn lại sẽ được đầu tư sau, do chưa có mặt bằng cũng như nhu cầu giao thông trên đường song hành bên trái sẽ được chia sẻ khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành.

CII cũng vừa đề nghị Sở GTVT xem xét, kiến nghị UBND TP HCM cho phép đầu tư hoàn chỉnh nút giao ngã tư Thủ Đức theo phương án xây hầm chui trên Xa Lộ Hà Nội cho 8 làn xe; xây cầu vượt theo hướng đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt cho 4 làn xe; hoàn thiện nút giao bằng các nhánh đường rẽ phải, rẽ trái trên mặt đất hiện hữu và có vòng xoay ở giữa... Tổng mức đầu tư khoảng 1.415 tỷ đồng.

Nguyên nhân là sau khi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác, số lượng các loại xe qua trạm thu phí Xa Lộ Hà Nội giảm không đáng kể. Riêng xe tải có tải trọng 18 tấn trở lên và xe container 40 feet lại tăng. Vì vậy, theo đơn vị này, việc nghiên cứu, đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông ngã tư Thủ Đức là cần thiết, góp phần kéo giảm ùn tắc, tai nạn tại ngã tư này và toàn tuyến Xa Lộ Hà Nội.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
630 tỷ đồng xây hai cầu nối các quận phía Đông TP HCM

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.